Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống

27/02/2023 | 14:52

Sau ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin thứ hai để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, thể hiện nét đẹp văn hóa riêng của mỗi tộc người. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, sự giao thoa văn hóa đã làm trang phục truyền thống giảm dần giá trị của nó, thậm chí là mất đi nhanh chóng. Vậy nên công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống - Ảnh 1.

Cao Bằng hiện có 7 dân tộc chính: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô. Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử và in dấu truyền thống văn hóa của dân tộc đó. Đơn cử như trang phục của người Tày, Nùng được làm từ vải bông nhuộm chàm đặc trưng, phần lớn không có nhiều hoa văn, họa tiết; trang phục ba nhóm người Mông gồm: Mông Trắng, Mông Đen, Mông Hoa được thiết kế cầu kỳ với màu sắc sặc sỡ, hoa văn bắt mắt đặc trưng. Trang phục nhóm người Dao gồm Dao Đỏ và Dao Tiền, nhìn vào trang phục có thể phân biệt được hai nhóm Dao này, người Dao Tiền trang trí những đồng tiền bằng bạc to phía ngực và những đồng xu nhỏ phía sau áo; người Dao Đỏ trang trí hai chuỗi bông đỏ được gắn trên áo phụ nữ. Trang phục người Lô Lô với màu đen chủ đạo, từ phần khuỷu tay đến cổ tay là các khoanh vải màu bắt mắt; trang phục người Sán Chỉ được nhấn với đường viền là một dải màu đỏ ở mép áo, khi mặc phải vấn tóc, đội khăn màu đen và đeo thêm vòng cổ, vòng tay bằng bạc...

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số thường hay sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, các dịp sinh hoạt chung của cộng đồng như lễ hội, lễ cưới hỏi, đặc biệt là lễ cấp sắc của người Dao, trong tang ma của người Mông và một số dân tộc khác. Nhiều địa phương hiện nay, cách mặc của đồng bào các dân tộc đã có sự thay đổi, không chỉ ở bộ phận giới trẻ mà ở cả những người cao tuổi. Nếu như trước đây, hầu hết đồng bào đều trồng bông, lanh, nuôi tằm lấy tơ để dệt vải và may trang phục thì hiện nay, rất ít hộ gia đình duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông, trồng lanh dệt vải để may trang phục. Không chỉ vậy, đời sống ngày một phát triển, những nguyên liệu nhuộm màu truyền thống dần bị thay thể bằng các loại phẩm màu công nghiệp để tạo màu cho trang phục, giúp rút ngắn thời gian may vá, vừa đa dạng hóa các màu sắc,... Chính những điều đó phần nào khiến cho trang phục truyền thống có nhiều biến đổi, trang phục dân tộc truyền thống đã trở thành hàng hóa, là sản phẩm du lịch tại các địa phương, quy trình làm một bộ trang phục truyền thống không còn nguyên bản, các chi tiết đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, thể hiện sự tinh tế của các dân tộc cũng không tinh xảo như xưa, giá trị của trang phục không còn được nguyên vẹn.

Năm 2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, để triển khai kế hoạch, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch; tổ chức tập huấn phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống đồng bào các dân tộc; lồng ghép tổ chức hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc gắn với lễ hội...

Bà Đặng Thu Hồng, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Sở xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt vải truyền thống của dân tộc Lô Lô, huyện Bảo Lâm tại thị trấn Pác Mjầu, xóm Cà Đổng (Bảo Lâm) nhằm bảo tồn, trao truyền những tri thức dân gian và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch.

Việc khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng, đặc biệt thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... Đồng thời, vận động nhân dân duy trì sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và trong các dịp lễ, Tết. Những bộ trang phục tuy giản dị nhưng rất đẹp, mang sắc thái riêng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, như trang phục của dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô...

Công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội duy trì việc mặc trang phục truyền thống được đẩy mạnh tại các chợ phiên, các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tồng tổ chức ngày 9 tháng Giêng hằng năm; khôi phục Chợ tình Phong lưu (Háng toán) ngày 15/8 âm lịch; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô…

Ngoài ra, tại nhiều điểm du lịch chú trọng việc sử dụng trang phục truyền thống khi biểu diễn và cho thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh lưu niệm… Các địa phương mở, duy trì phố đi bộ thu hút du khách đến tham quan có sự đóng góp của những sắc màu trang phục truyền thống, đây chính là điểm nhấn, đặc trưng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

Theo chị Lê Thanh Hoa, du khách đến từ quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, khi đến Chợ đêm Bảo Lạc, chị rất ấn tượng và thích thú với dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc Sán Chỉ để chụp ảnh. Qua lời giới thiệu của chủ quán và người dân nơi đây, chị hiểu thêm về văn hóa, con người Cao Bằng.

Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống tại các địa phương có những chuyển biến rõ nét và hiệu quả, góp phần phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×