Cao Bằng: Họp tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025
14/10/2021 | 09:40Chiều 13/10, Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức họp lấy ý kiến thông qua dự thảo nội dung, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tiểu ban. Đồng chí Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban chủ trì.
Kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai nhằm mục đích thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của ngành du lịch đối với sự phát triển KT - XH. Tập trung phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn môi trường sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch, đưa du lịch Cao Bằng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Cao Bằng ở trong nước và thế giới.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc và trở thành thương hiệu du lịch miền núi của Việt Nam. Ưu tiên phát triển du lịch và một số ngành dịch vụ thiết yếu là thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dịch vụ chất lượng cao và một số khu, điểm du lịch cao cấp; thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động.
Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.400 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng; tỷ trọng du lịch chiếm 5 - 6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng bình quân khoảng 12%, chiếm 20% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chiếm tỷ trọng 10% khu vực dịch vụ, chiếm 8% tổng sản phẩm GRDP; đưa khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch quốc gia, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh.
Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận về các nội dung: đầu tư hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật du lịch; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thứ;, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhân lực du lịch; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ; các dự án đầu tư du lịch đảm bảo sự phát triển du lịch một cách bền vững; công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác, liên kết phát triển du lịch...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, đòi hỏi phải có sự phối hợp, sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Cần xác định đúng và trúng khâu đột phá, tạo bước ngoặt và đề ra giải pháp cụ thể; xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên của phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, bao trùm, then chốt là nhiệm vụ quy hoạch để tạo tầm nhìn ổn định, căn cơ, dài hơi, xây dựng quy hoạch chi tiết về các khu du lịch trọng điểm, kêu gọi nguồn lực đầu tư.
Cơ quan thường trực điều chỉnh, chọn lọc sản phẩm du lịch trọng điểm của từng địa phương gắn với bối cảnh sau đại dịch; xác định thị trường du lịch, mô hình du lịch, chương trình đón khách du lịch an toàn. Xây dựng cơ chế trao đổi khách với các vùng, quốc gia để đối ứng nguồn khách; xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh du lịch mang tính chọn lọc, tập trung, không dàn trải; thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hoàn thiện bước đầu cơ sở dữ liệu du lịch Cao Bằng tích hợp với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia. Lập danh mục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng để đầu tư phục vụ du lịch; rà soát, lập mới, đề nghị công nhận các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.