Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc

11/05/2023 | 09:04

Trước sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cũng phải tự mình tìm ra hướng cải tiến mới để thích ứng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đa sắc màu của mỗi dân tộc.

Cao Bằng: Giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc - Ảnh 1.

Trang phục dân tộc Mông đen xóm Ka Liệng, xã Thụy Hùng (Thạch An) đến nay đã được cải tiến phù hợp với thực tế cuộc sống.

Tại Cao Bằng, DTTS chiếm 95% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, có ngôn ngữ riêng, có những hoạt động kinh tế, những nét đặc trưng văn hóa độc đáo riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên, những nét đẹp độc đáo, bản sắc trên trang phục truyền thống các dân tộc nói chung đều đang biến đổi, cải biên. Phần lớn trang phục truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, nhiều bộ trang phục không còn nguyên gốc, thậm chí đã biến mất khỏi cộng đồng đối với những nhóm dân tộc ít người. Nguyên nhân này xuất phát từ sự phát triển của xã hội, nhất là những yếu tố tác động trực tiếp đến tư duy lối sống, trong đó có sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến các cộng đồng dân cư. Sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa làm thay đổi lối sống và trang phục của đồng bào. Nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống dân tộc mình do không phù hợp sinh hoạt đời thường. Giới trẻ thì sợ bị coi là lạc hậu khi mặc trang phục truyền thống.

Trước thực trạng đó, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của trang phục dân tộc thời gian qua luôn được các cấp, ngành, địa phương và đồng bào các DTTS trong tỉnh quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Ngoài việc tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào, ngành văn hóa định kỳ tổ chức liên hoan, hội diễn văn hóa các DTTS, tổ chức các lễ hội đầu xuân, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc. Nhà nước tôn vinh các nghệ nhân là những người giữ và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau; tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh...

Dân tộc Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa) hiện là một trong những dân tộc hầu như còn giữ được nét nguyên sơ, đầy đủ nhất trong bộ trang phục truyền thống dân tộc mình. Đặc biệt, trong dịp lễ hội Thanh Minh năm 2023, phần thi trình diễn trang phục dân tộc lần đầu tiên được tổ chức. Đồng chí Lương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, chia sẻ: Nhằm phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là bộ trang phục truyền thống, lãnh đạo xã tổ chức phần thi trình diễn trang phục dân tộc Nùng An lần đầu tiên tại lễ hội. Phần thi thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đây không chỉ là sân chơi giải trí nâng cao nhận thức về bảo tồn trang phục dân tộc cho bà con trong dịp lễ hội mà còn mang ý nghĩa truyền bá hình ảnh con người và dân tộc Nùng An đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 430/KH-UBND, ngày 3/3/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh năm 2023 với những nội dung: Tổ chức tuyên truyền, dạy các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết liên quan đến trang phục truyền thống (trồng bông, trồng cây lanh, cây chàm, dệt vải, se sợi, nhuộm chàm, nghệ thuật thêu hoa văn, chế tác trang sức…) cho đồng bào các DTTS; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống DTTS cho người uy tín, cán bộ văn hóa vùng đồng bào DTTS.

Thực tế, hầu hết đồng bào DTTS rất thích, trân trọng trang phục truyền thống dân tộc mình, nên cố gắng gìn giữ. Tuy nhiên, với điều kiện cuộc sống mới, thay vì giữ và sử dụng những bộ trang phục truyền thống chỉ mang tính chất hình thức (mặc khi diễn ra lễ hội, giao lưu, ghi hình…; sau đó sẽ cởi ra thay bằng trang phục phổ thông), thì cộng đồng các DTTS cũng đang có những cải biến, cách tân để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

Bà Vi Thị Mần, dân tộc Mông đen, người có uy tín tại xóm Ka Liệng, xã Thụy Hùng (Thạch An) chia sẻ: Bộ trang phục truyền thống của người Mông đen thường rất cầu kỳ, 100% làm bằng vải chàm nên nặng và rất nóng vào mùa hè. Hiện nay, bộ trang phục được cải biên đi rất nhiều, bà con dùng vải lanh, vải nhung mềm mại và bắt mắt hơn so với những chất liệu vải được mua ở chợ vừa cứng, vừa khó giặt như trước kia. Bây giờ người ta làm chun và làm váy chùm dễ mặc hơn.

Việc giữ gìn trang phục truyền thống là rất cần thiết, song cùng với sự phát triển của xã hội, việc đồng bào DTTS cải tiến trang phục để thích ứng, để nó luôn xuất hiện trong đời sống hiện đại, cũng là một cách để bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tới mọi vùng miền.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×