Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

31/05/2021 | 10:13

Cao Bằng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, với nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo.

Để gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực để các di sản văn hóa (DSVH) trở thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cao Bằng: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Huyện Trùng Khánh phát triển du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đến các làng Phja Thắp, Phja Chang, Đâư Cọ, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được chứng kiến, trải nghiệm những công việc làm nghề truyền thống của đồng bào Nùng An như: đan lát, dệt thổ cẩm, làm hương, rèn nông cụ… Theo người dân nơi đây, những nghề này có từ lâu đời và luôn được người dân gìn giữ, phát huy đến ngày nay.

Chị Lương Thị Soi, xóm Đâư Cọ, xã Phúc Sen cho biết: Đến nay, người Nùng An vẫn giữ được nét văn hóa của dân tộc mình, từ trang phục, tiếng nói đến phong tục, tập quán. Hằng ngày, người Nùng An từ già đến trẻ em đều mặc trang phục dân tộc, vì vậy nghề dệt vải và nhuộm chàm của đồng bào nơi đây luôn được gìn giữ. Cùng với đó, nghề rèn nông cụ cũng được duy trì, ngày càng phát triển nhờ chất lượng sản phẩm và uy tín của nghề. Nghề rèn truyền thống của người Nùng An, xã Phúc Sen đã được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia.

Còn huyện Trùng Khánh được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Bản Viết, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng... Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa: đền Hoàng Lục (Hoàng Sáu) - nơi thờ An biên Tướng quân Hoàng Lục là người có công chống quân Tống xâm lược ở thế kỷ thứ XI; hang Ngườm Hoài - nơi tập kết vũ khí, khí tài chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Kho bạc Nhà nước đầu tiên năm 1950 - 1951; Di tích hang Ngườm Chiêng - nơi đặt máy A3 Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 1966 - 1978 cùng với nhiều giá trị DSVH phi vật thể Dá Hai, Hà lều, Phong slư, lượn Then, đàn tính, Sli giang...

Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực cũng là điểm nhấn quan trọng trong giá trị văn hóa ở huyện Trùng Khánh như: xôi ngũ sắc, vịt cỏ, hạt dẻ, gạo nếp Ong, thạch trắng, tương mạch, đậu phụ chao, bánh khảo...; các lễ hội truyền thống: Co Sầu, Hoàng Lục, Cầu mùa, Long Vương...

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Bế Hải Long, Trùng Khánh hiện có 8 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 danh thắng cấp quốc gia, 1 danh thắng cấp tỉnh, 5 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đối với DSVH phi vật thể có 7 làn điệu dân ca đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng như: Sli giang, Dá Hai, hát lượn, Phong slư, hát Then, đàn tính, Hà lều, những giá trị văn hóa đó tạo nên đặc trưng riêng của địa phương. Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị có những hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 2 bảo vật quốc gia (đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, Thành phố; Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên vách núi Phja Tém, xã Bình Long, huyện Hòa An); 214 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó 92 di tích được xếp hạng các cấp; toàn bộ hệ thống di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh được xây dựng bia, biển chỉ dẫn phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị.

Năm 2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO; công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật được tiến hành thường xuyên, đến nay sưu tầm được hơn 15.000 hiện vật; công tác kiểm kê DSVH phi vật thể được triển khai trên địa bàn 8/10 huyện, Thành phố.

Cao Bằng: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Nghề dệt thổ cẩm ở xóm Đâư Cọ, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được gìn giữ và phát huy.

Song song với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc như: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác được bảo tồn và phát huy thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc như: Đề tài “Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng”; “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Lễ Thuổm Puôn của người Sán Chỉ ở Cao Bằng”; “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng”; “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.

Phục dựng nâng cao Lễ hội đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố); Lễ hội Thanh Minh trở thành lễ hội gắn kết làng nghề truyền thống tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Khôi phục lại lễ hội dân gian truyền thống lồng tồng xã Cao Chương (Trùng Khánh); Lễ hội Bó Puông, xã Lê Lợi (Thạch An)…

Ngoài ra, các DSVH phi vật thể đặc sắc được nghiên cứu lập hồ sơ để đưa vào danh mục DSVH quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, Cao Bằng có 3 di sản được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; Nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Năm 2019, di sản Then của người Tày, Nùng, Thái - Việt Nam được UNESCO công nhận DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cao Bằng: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Di sản Then của người Tày được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Thu Hằng cho biết: Những năm qua, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách, trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH truyền thống, có nhiều di sản đã được vinh danh, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

Để các giá trị di sản biến thành thành tài sản, những năm gần đây, các địa phương gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH với phát triển du lịch, nhiều điểm du lịch cộng đồng được xây dựng và phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh dịch vụ nhà nghỉ (homestay), người dân còn phát triển các dịch vụ khác như: nấu ăn cho du khách, biểu diễn ca múa dân tộc, bán đồ lưu niệm..., góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong giai đoạn mới.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×