Cao Bằng: Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
07/08/2018 | 15:41Cao Bằng với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số đã tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống rất phong phú và đặc sắc. Trong quá trình hội nhập, phát triển, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mỗi cộng đồng, địa phương. Trước thực tế đó, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện có trên 100 lễ hội truyền thống và lễ hội xuân được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu được diễn ra vào mùa xuân và mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương. Đặc biệt, toàn tỉnh có 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Nghi lễ Then Tày và Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, Phục Hòa)...
Tiết mục hát then tại Lễ hội du lịch Bản Giốc và Liên hoan hát then - đàn tính
tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất năm 2017.
Với tốc độ phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền đã có những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa của các dân tộc. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, như: trang phục, nếp sống văn hóa - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hằng ngày bị thất truyền...
Đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thông tin. Hiện toàn tỉnh có 1.848 nhà/2.487 tổ, xóm có nhà văn hóa, đạt 74,3%; 49 nhà/199 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 24,6%. Đồng thời, ngành văn hóa chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn.
Việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật kiện toàn kho cơ sở được tiến hành thường xuyên. Đến nay, đã sưu tầm được 15.943 đơn vị hiện vật. Năm 2017, tham mưu cho UBND tỉnh lập hồ sơ di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, ngày 12/4/2018 Hội đồng Chấp hành UNESCO công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO. Tiến hành đầu tư trùng tu, tôn tạo 18 di tích với tổng kinh phí trên 41 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn vốn xã hội hóa. Tiến hành kiểm kê nhận diện, xác định giá trị, phân loại, lập danh mục loại hình di sản: tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Năm 2017, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể 2 dân tộc Tày, Nùng tại các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, với số lượng 333 di sản. Phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng hoàn thành bộ hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái” Việt Nam trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, hướng dẫn xây dựng hồ sơ, đề nghị xét tặng và tổ chức Lễ truy tặng, trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, năm 2015 cho 10 nghệ nhân ưu tú tỉnh Cao Bằng. Hiện đang trình Chính phủ phong tặng danh hiệu 1 nghệ nhân nhân dân và 5 nghệ nhân ưu tú đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai năm 2018, đề nghị Chính phủ xét tặng danh hiệu 2 nghệ sỹ ưu tú.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được các cấp ủy, chính quyền chú trọng. Các hoạt động văn nghệ quần chúng, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc được phát triển rộng khắp. Tổ chức các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nổi bật như Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông tại huyện Bảo Lâm nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, kịp thời quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa đặc sắc cũng như phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Mông...
Phong trào nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ cũng mở rộng hơn về quy mô và chất lượng hoạt động; các đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đơn vị, các làng, bản được hình thành ngày càng nhiều và thường xuyên phối hợp tổ chức hội thi, liên hoan và luôn chú trọng các tiết mục dân ca. Các nghề truyền thống cũng được chú trọng và bảo tồn như: nghề chạm bạc, nghề in hoa bằng sáp ong, nghề làm giấy dó của người Dao Tiền, nghề dệt thổ cẩm của người Tày, nghề dệt vải lanh của người Mông trắng, nghề làm hương, nhuộm vải chàm, nghề rèn của người Nùng tại Phúc Sen (Quảng Uyên). Mỗi làng nghề truyền thống đều mang đậm bản sắc văn hóa riêng.
Việc bảo tồn và phát huy các nét đẹp, giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc không chỉ nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tâm linh, giao lưu văn hóa tinh thần của người dân, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc mà còn góp phần nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
(Theo baocaobang.vn)