Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Cần quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

30/09/2021 | 13:49

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Từ đó, giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa sản phẩm OCOP và phát triển du lịch trên địa bàn hiện nay chưa được quan tâm đúng mức.

Cao Bằng: Cần quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch - Ảnh 1.

Nông dân xã Hoa Thám (Nguyên Bình) giới thiệu sản phẩm quýt địa phương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

Cao Bằng là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nổi bật: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); thác Bản Giốc (Trùng Khánh); khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình); các xóm người Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… là các mô hình du lịch homestay được gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc lâu đời, với nhiều loại hình du lịch phong phú như: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao, leo núi mạo hiểm, bơi thuyền; nghiên cứu khoa học… hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Năm 2020, Công ty cổ phần TNHH Hoàng Thành Cao Bằng thuê hơn 1 ha đất nông nghiệp với người dân tại xóm Pác Rao, xã Đức Hồng (Trùng Khánh) đầu tư trên 1,8 tỷ đồng trồng nho Hạ Đen. Mô hình áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, nhà giàn có mái che bằng ni lon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển.

Giống nho phát triển tốt với ưu điểm vượt trội hơn so với các loại nho trồng bản địa, nho sinh trưởng khỏe, cho thu hoạch nhanh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuối năm 2020, Công ty đem sản phẩm tham gia phân hạng, đánh giá và được công nhận sản phẩm đạt 3 sao Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh năm 2020. Sản phẩm ngày càng có nhiều người biết và tìm đến mua nên Công ty mở cửa vườn để du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp, bán sản phẩm ra thị trường với mức giá 150.000 đồng/kg. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Bà Hoàng Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế thác Bản Giốc (Trùng Khánh), chủ Lan’s Homestay cho biết: Sau khi khu du lịch đi vào hoạt động, tôi được chính quyền địa phương vận động làm sản phẩm OCOP du lịch nông thôn. Qua tìm hiểu cho thấy, điểm du lịch đáp ứng cơ bản nhiều tiêu chí, đồng thời, việc phát triển sản phẩm OCOP từ hình thức du lịch nông thôn vừa mang đến doanh thu tốt hơn cho chủ cơ sở, vừa là cơ hội để quảng bá hình ảnh của tỉnh nên tôi mạnh dạn tham gia.

Đến nay, Lan’s Homestay là mô hình du lịch cộng đồng duy nhất đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh theo Chương trình OCOP ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn năm 2020. Để tạo điểm nhấn, điểm du lịch còn chế biến, giới thiệu các món ăn từ các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh của địa phương như: xôi từ nếp Ong, hạt dẻ Trùng Khánh…

Từ các mô hình trên có thể thấy, sản phẩm OCOP là nền tảng để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Theo thống kê, Cao Bằng có gần 200 sản phẩm có thể tham gia OCOP, trong đó, 24 sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Năm 2021, có hơn 30 sản phẩm tiếp tục tham gia phân hạng, đánh giá.

Tuy nhiên, dù nhiều tiềm năng và sản phẩm OCOP đa dạng nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Thực tế, trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch được xem là nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm địa phương hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Lê Thao Giang cho biết: Sản phẩm OCOP giúp du khách thêm nhiều lựa chọn khi có nhu cầu mua hàng về làm quà biếu mỗi dịp đến Hà Quảng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.

Hiện nay, sản phẩm khẩu sli Nà Giàng (Hợp tác xã Khẩu sli thương mại dịch vụ Nà Giàng) đạt 3 sao Chương trình OCOP tỉnh năm 2020 đã và đang được huyện tập trung trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch, cửa hàng trên địa bàn huyện, vừa để quảng bá vừa tạo sự đa dạng hàng hóa trong các điểm du lịch.

Xây dựng sản phẩm OCOP đã khó, việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường càng khó hơn. Trong khi ngành du lịch tỉnh đang thiếu những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn của từng vùng, miền để thu hút khách du lịch. Dù là tỉnh có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP và đã tạo tiếng vang từ lâu như: gạo nếp Hương Bảo Lạc; thịt xông khói, lạp sườn; miến dong; thạch đen; đường phên; bánh nướng Thu Điệp; khẩu sli Nà Giàng; Hồng Trà A1, Lục Trà A2; trà giảo cổ lam; rượu ngô CP 999; dao Minh Tuấn; dầu hồi; dầu xả Java…

Tuy nhiên, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp phần lớn vừa quan tâm đến việc gắn sao cho sản phẩm mà quên mất sự cộng hưởng của sản phẩm OCOP và du lịch. Dịch vụ du lịch thuộc Chương trình OCOP chưa được một số địa phương quan tâm đưa vào khai thác; một số địa phương khác bắt đầu hình thành mô hình làng văn hóa du lịch với những sản phẩm đặc sản địa phương nhưng những định hướng phát triển chưa rõ ràng. Các sản phẩm OCOP của tỉnh mới phát triển ở quy mô nhỏ, số lượng hạn chế, chưa có sự kết nối giữa các tour du lịch với các vùng sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá sẽ tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời hoạt động du lịch góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, việc quan tâm đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch hiệu quả, thời gian tới, ngoài công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa thiết thực của OCOP cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP.

Xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP quảng bá đến du khách; khuyến khích hình thành đặc sản vùng, miền cho mỗi địa phương. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nhiều tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×