Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số

23/10/2019 | 11:46

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô..., có những nét sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán riêng, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc được tỉnh quan tâm, chú trọng.

Cao Bằng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành, huyện Phục Hoà) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tỉnh tăng cường nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số. Trong công tác bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, hằng năm, tiến hành kiểm kê, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng, đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 214 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó 91 di tích đã được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp tỉnh). Các di tích xếp hạng cơ bản được cắm bia, biển phục vụ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được chú trọng thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc, như: Đề tài "Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao đỏ tỉnh Cao Bằng", "Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ Thuổn Puôn của người Sán chỉ ở Cao Bằng", "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng", "Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng". Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Phục Hoà) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Khôi phục lễ hội dân gian truyền thống Lồng tồng xã Cao Chương (Trà Lĩnh), Lễ hội Bó Puông, xã Lê Lợi (Thạch An). Phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng bộ hồ sơ "Then Tày, Nùng, Thái" Việt Nam trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bảo Lạc là địa phương thực hiện tốt việc giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc của huyện thông qua việc tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc và Chợ tình phong lưu Bảo Lạc. Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc và Chợ tình phong lưu gồm hoạt động phục dựng  tục hát lượn đối đáp dân tộc Tày, Nùng; tìm bạn đời của dân tộc Lô Lô; hát đối đáp và múa khèn của dân tộc Mông... Bên cạnh đó, Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc như: đi cà kheo, lày cỏ, dệt vải, quay sợi và thi trình diễn trang phục dân tộc. Theo đồng chí Nguyễn Ích Chánh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, ngày hội nhằm giới thiệu, tôn vinh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Với kho tàng dân ca khá đồ sộ với gần 80 làn điệu dân ca của bốn dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được các cấp ủy, chính quyền chú trọng. Các hoạt động văn nghệ quần chúng, biểu diễn làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc được phát triển rộng khắp. Năm 2011, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh được thành lập. Từ 70 hội viên ban đầu, đến nay, Hội đã phát triển chi hội, phân chi hội ở 9 trong số 13 huyện, Thành phố trong tỉnh với gần 2.000 hội viên. Hội quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, truyền dạy dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc cho thế hệ trẻ để tiếp cận, hiểu và thêm yêu văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn được tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tiêu biểu như Hội thi Hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu thể thao (2 năm 1 lần)  cụm huyện miền Tây (Nguyên Bình, Bảo Lạc); miền Đông (Thạch An, Trùng Khánh), Liên hoan hát Then, đàn tính toàn tỉnh; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại các huyện Bảo Lâm, Hà Quảng, Thông Nông, Hòa An... Qua các hoạt động, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa đặc sắc cũng như phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hồng Vân cho biết: Xác định gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca là nhiệm vụ quan trọng của ngành, thời gian tới, Sở sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng tình hình dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng các đề án, dự án về bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca từng dân tộc. Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về dân ca và các giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca. Đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ làn điệu dân ca dân tộc của tỉnh./.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×