Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ: Xây dựng thương hiệu ẩm thực gắn với du lịch

05/10/2023 | 09:15

Du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng và ngành Du lịch nước ta đã có định hướng phát triển loại hình này. Tại TP Cần Thơ, các thương hiệu ẩm thực cũng đang được định hình phát triển gắn liền với du lịch.

Dấu ấn những mùa bông

Tháng 9 vừa qua, Hội Ẩm thực Cần Thơ ra mắt với 60 thành viên gồm các đầu bếp, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu ẩm thực. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trực thuộc Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, nhằm làm cầu nối để các đầu bếp, những người yêu thích ẩm thực giao lưu, chia sẻ và sáng tạo món ăn dựa trên tài nguyên bản địa. Qua đó, hội từng bước định vị và xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Cần Thơ.

Hội Ẩm thực Cần Thơ tạo ấn tượng trong buổi ra mắt, khi tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề “Những mùa bông - Những mùa ngon”. Từ nguyên liệu bản địa, các đầu bếp chế biến 12 món ăn từ bông, mỗi món đẹp như hoa khoe sắc trên bàn ăn, cùng những chia sẻ đầy cảm xúc và giàu sáng tạo của các đầu bếp với sản vật quê nhà. Cô Trần Thị Hoa, người sáng tạo món lẩu cà xỉu bách hoa, cho biết: “Tình cờ biết đến cà xỉu (một loài nhuyễn thể sinh sống ở vùng biển nước lợ thuộc địa phận Hà Tiên, Kiên Giang - PV) có vị lạ, thích hợp làm nhiều món ngon; tôi đã làm lẩu cà xỉu bách hoa. Cà xỉu làm nước dùng có vị ngọt, thanh. Bách hoa ở đây là các loài hoa có thể ăn được của người miền Tây mình, trong đó có một loài đặc biệt là bông mỏ quạ, mỗi năm chỉ có một mùa, ngày nay ít người sử dụng”.

Cần Thơ: Xây dựng thương hiệu ẩm thực gắn với du lịch - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng Đoan (phải) giới thiệu về món gỏi bông me cá lóc đồng.

Văn hóa ẩm thực miền Tây thường gắn liền với nếp sinh hoạt thường ngày, mùa nào thức nấy. Có nhiều món ăn chỉ đến mùa du khách mới có thể thưởng thức. Ví như mùa nước nổi thì có đặc trưng là cá linh, bông điên điển... Chị Phạm Thị Bé Thư, người sáng tạo món “Salad lòng tong bay, điên điển”, chia sẻ: “Món ăn này sử dụng cá lòng tong, tép trấu, bông điên điển… đều là những sản vật mùa nước nổi ở miền Tây. Trong đó, cá lòng tong, tép trấu đều là những loại nhỏ, non và thường có ở đầu con nước. Du khách muốn ăn những sản vật như thế này thì chỉ có về miền Tây đúng mùa mới được”.

Tận dụng tài nguyên bản địa, gìn giữ những giá trị truyền thống và sáng tạo, nâng giá trị món ăn theo xu hướng hiện đại là những tiêu chí mà các đầu bếp trong Hội Ẩm thực Cần Thơ đặt ra, để tạo cho món ăn vừa hội nhập vừa có dấu ấn riêng. Chị Nguyễn Thị Hồng Đoan, người làm ra món gỏi bông me cá lóc đồng, cho biết: “Bông me, cá lóc đồng đều là những sản vật quen thuộc quê nhà của tôi. Trong ký ức tuổi thơ của tôi có nhiều món ăn bình dị và tôi muốn gìn giữ, lan tỏa đến với mọi người, nhất là khách quốc tế. Tại nơi tôi làm việc là Mekong Silt Ecologe, du khách quốc tế luôn thích cùng chúng tôi nấu những món ăn dân dã miền Tây”.

Tại bữa tiệc “Những mùa bông - Những mùa ngon” có nhiều món kỳ công, sử dụng các nguyên liệu bản địa khiến nhiều người phải trầm trồ như: gỏi cuốn cá linh bông bằng lăng, chả giò tôm bông sứ, gỏi ngũ sắc… Trong đó, món “Hạt ngọc thuyền thoa” đặc biệt ấn tượng. Bởi lẽ, món ăn này được làm từ cơm gạo lức lúa nổi giống nàng Tây Đùm, được canh tác thuận thiên từ Dự án “Giải pháp thuận thiên thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL (CRxN)” (do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ thông qua tổ chức WWF Việt Nam).

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Hội ẩm thực Cần Thơ sẽ tập hợp những đầu bếp, nghệ nhân tài hoa chế biến những món ngon đậm bản sắc văn hóa Cần Thơ và vùng Tây Nam Bộ. Qua đó, hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương; tôn vinh quá trình lao động sáng tạo của nghệ nhân, đầu bếp; nâng cao giá trị cho ẩm thực truyền thống; từng bước xây dựng thương hiệu để quảng bá và thúc đẩy du lịch thành phố ngày càng phát triển”.

Định hướng xây dựng thương hiệu ẩm thực gắn với du lịch

Theo Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới, du khách quốc tế dành khoảng 25-35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống. Thực tế, ẩm thực là một trong những yếu tố không thể tách rời của hoạt động du lịch. Du lịch ẩm thực là một trong những sản phẩm cần được đầu tư ở mỗi địa phương, bởi sức hút đặc biệt với du khách, nhất là khách quốc tế.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã chứng minh sức hấp dẫn và lan tỏa giá trị trên toàn cầu với nhiều món ăn được công nhận, được trao nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế uy tín. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, từng nhấn mạnh: “Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua những sự kiện quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước, nhất là ở những quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Nhiều phần việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt được thực hiện. Cụ thể, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thông qua đề án “Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt”. Thông qua các câu chuyện về nguyên liệu, văn hóa ẩm thực và cách chế biến món ăn của mỗi địa phương, chương trình khuyến khích du khách trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu văn hóa địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực trở thành sản phẩm chiến lược của nước ta. Từ đó, xây dựng bản đồ ẩm thực đa dạng, tạo nên cộng đồng ẩm thực địa phương tại các tỉnh, thành phố.

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) cũng đã triển khai đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024” (Đề án) với mục tiêu tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam”. Sau đó tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”. Các sản phẩm của Đề án kỳ vọng sẽ góp phần đưa thương hiệu du lịch Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực. Giai đoạn 1, VCCA đã lựa chọn được 121 món ngon tiêu biểu Việt Nam (47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam) để xây dựng bản đồ ẩm thực. Sau đó Đề án sẽ triển khai thực hiện các nội dung và hạng mục: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; truyền thông, quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế; nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế để ẩm thực hướng đến mục tiêu phát triển du lịch ẩm thực địa phương; hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, Bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam (số hóa); từng bước định hình chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực địa phương…

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, thông tin trong 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam được vinh danh lần này, Cần Thơ có 2 món là: lẩu cá trái bần và cá he kho rục. Thời gian tới, Cần Thơ sẽ tiếp tục đề xuất để thành phố có thêm nhiều món ngon được ghi tên vào bản đồ ẩm thực Việt Nam. Nói về ẩm thực, Cần Thơ có sự đa dạng, trong đó nhiều nghệ nhân, tên tuổi từng được công nhận như: Hà Thị Sáu (Thốt Nốt), Trương Thị Hoa Lài (Phong Điền), Phạm Bửu Việt (Ninh Kiều), Phan Thị Hồng Nhi (Ô Môn)… Bên cạnh đó, có nhiều món ăn nổi danh được yêu thích như: gà um dâu Hạ Châu, bánh tét lá cẩm, bánh hỏi mặt võng… tạo lợi thế để Cần Thơ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực.

Theo Báo Cần Thơ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×