Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ: Giải bài toán duy trì doanh nghiệp du lịch và hỗ trợ người lao động

03/08/2021 | 15:39

Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch đã đóng băng hoàn toàn. Bên cạnh giải quyết nhiều bài toán để duy trì thương hiệu, doanh nghiệp du lịch còn tìm lời giải hợp lý cho người lao động.

Cần Thơ: Giải bài toán duy trì doanh nghiệp du lịch và hỗ trợ người lao động - Ảnh 1.

Khách sạn Mường Thanh đang đăng ký để trở thành điểm cách ly có trả phí.

Các điểm du lịch tại Cần Thơ gần như đã dừng hoạt động từ tháng 6-2021, một số chỉ hoạt động bảo trì, hoặc chỉ tiếp khách nội bộ. Tuy nhiên, con số này rất ít và hạn chế về số người. Bà Nguyễn Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc phụ trách lưu trú Khách sạn Mường Thanh, cho biết: “Chúng tôi chỉ cho phép đón tiếp khoảng 10 khách lưu trú. Công suất hiện nay chỉ 1-2% so với trước kia, chủ yếu là khách quen và lưu trú dài hạn. Hiện chúng tôi cũng đang đăng ký thủ tục để khách sạn được xét duyệt làm điểm cách ly có trả phí. Ðây là một giải pháp vừa duy trì hoạt động vừa góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh cùng địa phương”. Bà Ðặng Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Cồn Khương Resort, thông tin rằng: “Chúng tôi đã dừng hoạt động từ tháng 6, nhân viên đều nghỉ, tạm thời chỉ giữ lại bộ khung và 6-7 người phục vụ cho công tác hoạt động bảo trì của resort. Chi phí bảo trì và hỗ trợ lương cho người lao động trong một tháng ước tính 700-800 triệu đồng. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ một phần cho người lao động trong thời gian tạm nghỉ, xem như là cách giữ chân họ làm việc với mình. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, resort không hoạt động thì các nhân viên cũng không bám trụ. Về sau sẽ rất khó tìm nhân sự”.

Ða phần các doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn này từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng và tạo mọi điều kiện để người lao động có thể tiếp cận các chính sách từ Bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 68/NQ-CP 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bà Phan Kim Ngân, chủ nhà vườn Công Minh tại cồn Sơn, nói: “Trong giai đoạn này, nhà vườn trở lại nhịp sống trước kia làm vườn, trồng cây trái cũng có thu nhập này kia. Nhưng mà mấy em hướng dẫn viên không có du khách thì không có thu nhập. Gần đây, các em chuyển sang bán trái cây, rau vườn, giao hàng hóa nhưng cũng khó. Cho nên, tiếp cận được nguồn hỗ trợ nào thì tốt chừng ấy”. Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, nói: “Ðây cũng là tình hình chung của cả nước, ở đâu cũng khó và ngành Du lịch địa phương cũng tạo điều kiện để chúng tôi tiếp cận những chính sách hỗ trợ. Mong là những nguồn hỗ trợ này sẽ kịp đến tay bà con lúc khó khăn”.

Về lữ hành, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu, cho biết: “Ðể duy trì hoạt động, tôi đã phải xoay rất nhiều nguồn vốn và cũng bán không ít tài sản, nỗ lực thích ứng với nhiều mô hình hoạt động. Tuy nhiên, cố hết sức thì tôi cũng chỉ có thể duy trì đến năm 2022. Bên cạnh các hỗ trợ về chính sách thuế, điện…chúng tôi mong muốn có những cơ chế linh động hơn khi du lịch được hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng người lao động trong ngành Du lịch sẽ được sớm tiêm vaccine phòng COVID-19”. Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc khách sạn Mường Thanh, cho biết: “Xác định là phải sống chung với COVID-19 nên chúng tôi hy vọng sẽ sớm tiếp cận được vaccine. Do đó, chúng tôi cũng không lo ngại khi chuyển sang thành điểm cách ly và đang đẩy nhanh tiến độ này. Về các giải pháp an toàn, chúng tôi cũng đã tập huấn và học tập từ các khách sạn khác trong cùng hệ thống của Mường Thanh khi trở thành điểm cách ly. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi và ngành Du lịch thành phố chính là nguồn nhân lực. Nhiều người đã chuyển nghề, chuyển việc đến nơi khác, nhất là đến Phú Quốc. Cho nên, ngành Du lịch thành phố cũng nên cân nhắc đến vấn đề này”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều đơn vị doanh nghiệp trong ngành để động viên và nắm bắt tình hình, lắng nghe những kiến nghị đề xuất, kịp thời báo cáo về lãnh đạo thành phố, từ đó tìm giải pháp sẽ phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn”. Bước đầu, Sở cũng đã phối hợp với Sở Công Thương, Ðiện lực thành phố để có những chính sách hỗ trợ về thuế, giảm giá điện. Ðồng thời, ngành Du lịch thành phố tổng hợp danh sách các hướng dẫn viên du lịch để làm thủ tục hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP 2021. Công tác đang được tập trung là tập hợp các nhu cầu về nguồn vốn, vaccine của các doanh nghiệp để có những báo cáo, đề xuất phù hợp.

Về nguồn nhân lực cho du lịch cần sự chung tay từ nhiều phía. Trong giai đoạn hiện nay, đa số các đơn vị đã tạm ngưng, hoặc một số hoạt động cầm chừng, nhiều nhân sự làm việc ở nhà, do đó, Sở cũng đã động viên và làm việc với các doanh nghiệp cố gắng giữ lại các lực lượng lao động cơ hữu để khi dịch tạm ổn có thể nhanh chóng đi vào hoạt động. Sở cũng có nhiều kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nhân sự ngay khi dịch COVID-19 được khống chế, du lịch được phép hoạt động trở lại.

Theo Báo Cần Thơ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×