Cần Thơ đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông
31/10/2024 | 09:30Nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ còn được biết đến với tên gọi “đô thị miền sông nước”. Gần đây, Cần Thơ đã và đang đầu tư cho những sản phẩm du lịch chuyên biệt, tạo sự bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương khác trong vùng. Với đường sông dài hơn 1.100km và hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc là một trong những ưu thế nổi bật mà Cần Thơ đang tận dụng để xây dựng, phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch đường sông (DLĐS).
Cần Thơ - một trong những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới
Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thành phố Cần Thơ không chỉ là cửa ngõ giao thương quan trọng mà còn là điểm kết nối lý tưởng cho các tour du lịch đường sông trong khu vực. Thành phố Cần Thơ nằm ở hạ lưu của sông Mekong, là nơi khách du lịch có thể đi qua và ghé lại tham quan văn hóa sông nước của vùng đất Tây Đô. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có các cồn, cù lao trên sông Hậu như cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc. Địa hình Cần Thơ là dạng địa hình đồng bằng châu thổ với đặc điểm chung là thấp và bằng phẳng, khí hậu tương đối mát mẻ, ôn hòa phù hợp cho DLĐS phát triển.
Cần Thơ có hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc là một trong những ưu thế nổi bật, tạo nên mạng lưới giao thông thủy phong phú, mở ra cơ hội phát triển đa dạng các loại hình DLĐS. Các tuyến đường thủy chính như Cần Thơ - Cà Mau (180km), Cần Thơ - Kiên Giang (120km đến Rạch Giá) và Cần Thơ - An Giang (100km đến Châu Đốc) không chỉ kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận mà còn mở ra cơ hội phát triển các tour du lịch đa dạng, từ tour sinh thái khám phá rừng U Minh và đất mũi Cà Mau, tour kết hợp sông - biển đến Phú Quốc, tour tâm linh và sinh thái ở Châu Đốc và rừng tràm Trà Sư, du khách có thể trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan ĐBSCL thông qua các tuyến đường thủy này.
Cảnh quan tự nhiên dọc các tuyến sông Cần Thơ vô cùng đa dạng và phong phú, từ các cồn, cù lao trên sông, kết hợp với vườn cây ăn trái và cánh đồng lúa bạt ngàn tạo nên bức tranh sinh thái sông nước đặc trưng của vùng ĐBSCL. Cảnh quan miệt vườn với diện tích vườn cây ăn trái trên 20.000ha là một điểm nhấn đặc biệt của du lịch Cần Thơ. Các loại trái cây đặc trưng như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, vú sữa, mãng cầu không chỉ tạo nên cảnh quan độc đáo mà còn là cơ sở để phát triển các tour du lịch trải nghiệm vườn cây, thu hoạch trái cây theo mùa, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt bao phủ xung quanh, hình thành nên các cồn, cù lao trên sông: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lộc và những vườn cây ăn trái sum suê. Đây sẽ là nơi phát triển các dự án đô thị du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, khu resort Nova Phù Sa thuộc Cồn Ấu… Những địa điểm du lịch này sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, văn hóa sông nước đã được xem như một trong những nét văn hóa đặc trưng của Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. Đặc biệt, khi nhắc đến văn hóa miền sông nước không thể không nhắc đến văn hóa chợ nổi (chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền), một trong những nền văn hóa chợ nổi độc đáo và là điểm đến nổi tiếng của thành phố miền sông nước. Năm 2016, Văn hóa chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cần Thơ từng vinh dự được trang Mysterious World ca ngợi là một trong những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới với chợ nổi và cảnh giao thương tấp nập năm 2015. Tháng 11/2018, thành phố bên sông này lại được trang Earthnworld - tạp chí chuyên chia sẻ về những danh thắng, cảnh đẹp tự nhiên trên thế giới bình chọn là 1 trong 10 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới. Và đến tháng 8/2019, Cần Thơ lại được trang chia sẻ ảnh trực tuyến Getty Images đưa vào danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới...
Nhìn chung, các hoạt động trên sông đang được khai thác để đưa vào du lịch, tuy nhiên hiện tại những hoạt động này còn khá đơn điệu và chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có của nó. Để phát triển loại hình DLĐS, thành phố cần khai thác các hoạt động phục vụ du khách vào ban ngày lẫn ban đêm, kết nối với các điểm đến trên đất liền, đồng thời bổ sung những hoạt động gắn liền với sông nước để làm tour du lịch ngày càng đa dạng và hấp dẫn hơn.
Kết nối giữa Cần Thơ và các tỉnh khác trong khu vực
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP. Cần Thơ đến năm 2030, xác định thế mạnh của Cần Thơ là sông nước đô thị, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mê kông”… Theo đó, phát huy thế mạnh sông nước đang được ngành Du lịch thành phố quan tâm và đầu tư. Các sản phẩm sông nước ở đây được chú trọng xây dựng theo hướng trải nghiệm nét sinh hoạt của bà con thương hồ trên chợ nổi, cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông… Do đó, các sản phẩm sẽ được khai thác dựa trên lợi thế dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ và hệ thống cồn, cù lao. Để du lịch đường sông trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu của Cần Thơ, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, Cần Thơ tiếp tục đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển các lễ hội văn hóa sông nước mang tầm quốc gia và quốc tế để tạo thành điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng đến sản phẩm du lịch trải nghiệm đời sống thương hồ tại các chợ nổi Cái Răng và Phong Điền nhằm nêu bật được tính văn hóa bản địa, từ đó định vị du lịch đường sông là sản phẩm độc đáo, chuyên biệt của Cần Thơ. Đó sẽ là sản phẩm của tương lai và không bị trùng lặp với bất cứ địa phương nào khác. Ðồng thời, cần nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy, xây dựng bến tàu, cầu cảng và phát triển dịch vụ hỗ trợ; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt của mỗi dòng sông. Cần có sự liên kết giữa các địa phương trong định hướng phát triển sản phẩm đường sông, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông; quan tâm đến các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường…
Với thế mạnh là trung tâm ĐBSCL, giao thông thuận lợi, Cần Thơ trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển khách gắn với liên kết. Để phát triển loại hình DLĐS, thành phố cần có sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, bởi mỗi tỉnh có những đặc trưng riêng, do vậy muốn đa dạng và tạo được sự hấp dẫn cho du khách cần có sự liên kết trong quá trình xây dựng loại hình du lịch này. Ngoài khu vực ĐBSCL, Cần Thơ hiện đã xây dựng đề án về du lịch đường sông, đồng thời đang phối hợp với TP. Hồ Chí Minh để xây dựng tuyến du lịch đường sông đặc trưng. Kết hợp du lịch đường sông giữa TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ là một trải nghiệm thú vị, mang lại cho du khách cơ hội khám phá vẻ đẹp của vùng ĐBSCL từ một góc nhìn độc đáo. Đây là lộ trình phổ biến, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn hấp dẫn cả du khách quốc tế.
Để đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch đường sông giữa TP. Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, ngày 30/11/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL. Mục đích của Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tìm các ý tưởng mới về các giải pháp phát triển tuyến du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh kết nối ĐBSCL nói chung và du lịch đường sông TP. Cần Thơ nói riêng, gắn với phát huy du lịch chợ nổi Cái Răng; đây còn là cơ hội liên kết, mời gọi các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận tải khách du lịch xây dựng và phát triển tuyến du lịch đường sông từ TP. Hồ Chí Minh kết nối ĐBSCL, xây dựng tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đường sông liên vùng.
Du lịch đường sông Cần Thơ không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị mà còn mang lại cho du khách cơ hội khám phá và tìm hiểu về văn hóa và đời sống của người dân địa phương cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông nước miền Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam