Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Căn cứ pháp lý để xác định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa là gì?

14/11/2019 | 15:56

Theo quy định tại Điều 5 Luật di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì quyền sở hữu đối với di sản văn hóa được xác định theo pháp luật chung là Bộ luật Dân sự, các quy định khác của pháp luật có liên quan và theo pháp luật chuyên ngành là Luật di sản văn hóa.

Căn cứ quy định tại Điều 179 của Bộ luật Dân sự, thì quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;

b) Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Thu hoa lợi, lợi tức;

d) Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;

đ) Được thừa kế tài sản;

e) Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;

g) Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Dân sự về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu;

h) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa.

Mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Di sản văn hóa được phát hiện mà không xác định được chủ sở hữu, thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ đều thuộc sở hữu nhà nước.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×