Cần coi Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam
23/12/2023 | 20:51Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho rằng, cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
Sáng 22/12 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch khác
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho rằng, cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
Quy hoạch công nghiệp văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân rã tới từng vùng, tỉnh, đơn vị. Đồng thời, Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác.
Theo bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, đối với Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Về cơ chế chính sách, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.
Về vấn đề nguồn nhân lực, theo bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp – chất lượng – khác biệt đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc cũng như, cần đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Thực tế, những nơi có tiềm năng phát triển văn hoá du lịch lại là những vùng sâu vùng xa, trình độ phát triển còn thấp.
Bà Nguyễn Thái Hoàng Anh cho biết, Tập đoàn Sun Group chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như sử dụng lực lượng lao động là người địa phương, người dân tộc để quảng bá văn hóa, du lịch bản địa.
Điển hình như tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend, nhiều năm liền được World Travel Awards bình chọn là "điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu thế giới". Mỗi năm Tập đoàn tổ chức hàng loạt lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa bản địa như "Lễ hội ẩm thực Tây Bắc" do chính những người dân tại Tây Bắc chuẩn bị và thực hiện; Giải đua "Vó ngựa trên mây" tái hiện những khoảnh khắc kiêu hùng của "kỵ sỹ" vùng cao. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu đời sống tâm linh, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề truyền thống và các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tới từ chính những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số tại Bản Mông, Sunworld Fansipan Legend.
Sun Group đề xuất Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ GDĐT và các chính quyền địa phương để xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế-xã hội
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế-xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, chúng ta có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng. Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, văn hoá thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần.
"Những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn góp phần khơi dậy niềm tự hào văn hoá và con người Việt Nam, cái chính là ta có đủ khát khao, mãnh liệt để làm. Công nghiệp văn hoá cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hoá và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hoá Việt Nam mới cất cánh được.
Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu", Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào bày tỏ.
Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội cần giúp kết nối mạng lưới toàn cầu, bởi văn nghệ sĩ trong nước nếu không cọ xát, giao tiếp văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu.