Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần có tính dự báo trong Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030

07/08/2021 | 09:07

Giáo sư Phong Lê ( nguyên Viện trưởng Viện Văn học) là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại với nhiều tác phẩm lý luận văn học gây chú ý với hàm lượng học vấn uyên thâm. Để góp thêm tiếng nói vào Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ được hoàn thiện, có tính khả thi cao, Giáo sư đã dành cho báo Điện tử Tổ Quốc cuộc trò chuyện:

- PV: Thưa Giáo sư, Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ với rất nhiều nội dung đáng chú ý về văn hóa, ông có ý kiến gì về Dự thảo Chiến lược này?

GS. Phong Lê: Tôi hoan nghênh chương trình 10 năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng một Dự thảo rất công phu và hoành tráng, với nhiều hướng đi tốt.

Nhưng theo tôi, Dự thảo cần đảm bảo 3 yêu cầu. Một là tính giai đoạn, cần nắm được yêu cầu của giai đoạn. Thứ hai là tính chiến lược, bao quát được tất cả các mặt. Và thứ ba, cũng là quan trọng nhất là tính dự báo vì thời cuộc thay đổi rất nhanh.

Cần có tính dự báo trong Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 - Ảnh 1.

Giáo sư Phong Lê

Vấn đề văn hóa đặt ra trong Dự thảo cũng đã từng được đặt ra trong lịch sử. Nghị quyết số 03-NQ/TW, năm 1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với nhiều nội dung trong đó có các quan điểm chỉ đạo và quan điểm bổ sung với vấn đề trong chương trình Dự thảo đặt ra như: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó đội ngũ tri thức đóng vai trò quan trọng. Gần hơn nữa là Nghị quyết 09 khóa XI năm 2014 đã đặt vấn đề văn hóa gắn với con người, đặt văn hóa ngang với chính trị và kinh tế. Do đó Dự thảo cần có tính giai đoạn và chiến lược.

Ở đây tôi tập trung nói về tính dự báo bởi đất nước ta đang ở thời kỳ phát triển rất nhanh vì toàn cầu hóa, cách mạng thông tin, cách mạng số nên ta cần có dự báo.

Dự báo từ năm 2021 đến năm 2030 phụ thuộc vào 2 vấn đề rất lớn. Một là toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ. Cách mạng công nghệ có thể thay con người, thậm chí cả lao động giản đơn và phức tạp. Văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật cũng thay đổi theo. Dự đoán thứ hai là về đại dịch đã kéo dài 2 năm mà nhân loại chưa từng trải qua. Nhân loại chưa từng trải qua một đại dịch nào khủng khiếp đến mức kéo hơn 7 tỉ người vào cuộc như thế. Đại dịch cũng kéo cả nhân loại vào một mối lo chung, khiến nhân loại buộc phải vật lộn, vất vả với nó. Đó là tiền lệ chưa bao giờ xảy ra và nhân loại chưa hình dung được. Sau đại dịch, bao giờ cũng phải đặt ra vấn đề khôi phục kinh tế. Do đó nhiều nước sẽ chạy đuổi cho mục tiêu đã bị đại dịch cản lại. Chạy theo kinh tế là chạy theo vật chất, rất dễ bị "bỏ qua" phần văn hóa là tinh thần. Để chạy theo mục tiêu kinh tế ấy, nếu có một kịch bản toàn diện và chiến lược thì cần nhìn đến sự cân đối, không quên văn hóa, khoa học nhân sinh, khoa học nhân văn, khoa học công nghệ. Văn học nghệ thuật là những lĩnh vực tinh thần của con người.

Cần có tính dự báo trong Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tính dự báo cũng gồm những vấn đề chú ý. Đó là cách mạng công nghệ, robot thay thế con người. Điều này là trung tâm cho những năm sắp tới của toàn thế giới, lấy lại sự sản xuất, lấy lại GDP… Trong cuộc chạy đuổi ấy không được hi sinh văn hóa, cần đầu tư cho văn hóa đến mức độ nào đó bởi vì văn hóa làm nên con người, nói văn hóa là nói con người. Vẻ đẹp con người phải cân đối và hoàn chỉnh, con người có tri thức và nhân cách, trí tuệ và tâm hồn, chuyên môn và đạo lý, tài và đức.

Để tạo nên con người như vậy cần có 3 môi trường, luôn đảm bảo an toàn và phát triển là môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên về gia đình gần đây có một bộ phận tha hóa, xuống cấp đạo đức. Biết bao gia đình tan vỡ vì áp lực của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Chính vì vậy gia đình cần củng cố lại đạo lý truyền thống con cháu phải hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, anh em thương yêu nhau. Rồi từ đó mới có tình đồng bào và tình yêu nước.

Về nhà trường cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn, khiến nhà trường trở nên "xộc xệch" và bỏ qua "tiên học lễ, hậu học văn", quên đi giáo dục đạo lý. Nhà trường cần nhiều "Hội nghị Diên Hồng" để chấn hưng lại và đúng với tầm vóc của nó.

Xã hội hiện nay cũng cần phải chấn chỉnh lại. Phải có một nền chính trị trong sạch và liêm khiết. Trong sạch thì cần chống tham nhũng, lấy dân làm gốc"dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Như thế mới chống được những ô nhiễm về đạo đức, tinh thần và kể cả vật chất.

- PV: Trong lĩnh Dự thảo chiến lược cũng có đưa ra những chỉ tiêu cụ thể, Giáo sư có góp ý gì về những chỉ tiêu này?

GS. Phong Lê: Tôi cho rằng những chỉ tiêu, chất lượng, mục tiêu cho những hoạt động tinh thần, văn hóa, văn học nghệ thuật khác với chỉ tiêu về kinh tế vì không thể quy thành số. Đây là sản phẩm tinh thần của con người, không thể quy vào kế hoạch 1 năm hay 5 năm bởi cần có môi trường xã hội, môi trường gia đình, môi trường trường học.

Nếu mối quan hệ giữa con người với con người lành mạnh lên thì đời sống văn hóa xã hội cũng từ đó phát triển lên. Trong cái lành mạnh, trong sáng đó sẽ có những tác phẩm lớn ngẫu nhiên mà có. Nhưng ngược lại, trong những hoàn cảnh khác vẫn có những tác phẩm đỉnh cao với các tài năng xuất hiện. Chẳng hạn giai đoạn năm 1945, thực dân và phong kiến đày đọa con người khổ sở thế nhưng chúng ta vẫn có một nền văn học rất rực rỡ với các tác giả: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên…

Cần có tính dự báo trong Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 - Ảnh 3.

Chương trình nghệ thuật online "Cháy lên" của Bộ VHTTDL (ảnh minh họa/ Minh Khánh)

PV: Trong mục tiêu về văn học cũng đặt ra các giải thưởng, giáo sư có ý kiến gì?

GS. Phong Lê: Với các giải thưởng văn học được đặt ra trong Dự thảo, tôi cho rằng khi xác định các giải thưởng, các chỉ tiêu cần đạt được cần đặt ra những vấn đề cơ bản trước như xây dựng nền văn hóa tiên tiến, văn hóa nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc vì toàn cầu hóa rất dễ mất đi bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó cũng cần có nhiều giải thưởng khác nhau, thích hợp với thời đại vì giai đoạn này khác với giai đoạn trước. Khi có giải thì mới có tiêu chí, có hội đồng tin cậy, tín nhiệm để an tâm chấm giải.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư.

Hiền Nguyễn (Thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×