Cần cơ chế tháo gỡ để quảng bá phim sử dụng ngân sách Nhà nước
08/04/2024 | 08:16Cục Điện ảnh đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế, quy định cụ thể về phát hành và phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
Không có chi phí quảng bá phim Nhà nước đặt hàng
Câu chuyện phát hành và phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước đã được nói đến từ nhiều năm qua. Sau thành công của bộ phim "Đào, phở và piano" với doanh thu gần 21 tỉ đồng sau hơn 2 tháng công chiếu, việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước đã có những bài học thực tiễn để cơ quan quản lý có những cơ chế phù hợp.
Theo bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chúng ta có hệ thống pháp luật hoàn thiện và đầy đủ về điện ảnh. Các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật đã đề cập khá đầy đủ, rõ ràng việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Điện ảnh đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc phát hành, phố biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo đó ngân sách sản xuất một bộ phim được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Quyết định số 2484/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2021.
Trung bình từ năm 2020 đến nay, mỗi năm Nhà nước đặt hàng 2-3 phim truyện, 30 phim tài liệu, khoa học và gần 20 phim hoạt hình để phục vụ nhiệm vụ chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước từ nguồn ngân sách của Bộ VHTTDL. Trong đó đơn giá đặt hàng sản xuất phim truyện điện ảnh bao gồm các chi phí trực tiếp sản xuất và 100 triệu đồng chi phí quảng bá, tổ chức một buổi ra mắt phim.
Từ năm 2011 đến năm 2022, ngân sách Nhà nước cấp cho đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim trung bình là 65.6 tỉ/năm (trong đó có 500 triệu đồng dành cho việc in các bản phim, các tài liệu tuyên truyền phục vụ các tuần phim, ngày lễ lớn, làm phụ đề và in bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài). Khoản ngân sách này không dành cho việc quảng bá một tác phẩm.
Năm 2023, kinh phí sản xuất và tài trợ phổ biến phim Nhà nước cấp là 98 tỉ trong đó có 500 triệu đồng dành cho tài trợ phổ biến phim để thực hiện nhiệm vụ trên. Kinh phí dành riêng cho công tác quảng bá, phát hành phim chưa được quy định- bà Lý Phương Dung thông tin.
"Giá thành sản xuất các phim sử dụng ngân sách nhà nước không theo kịp giá thị trường. Các phim điện ảnh có chi phí sản xuất và quảng bá rất lớn. Trong khi ngân sách Nhà nước khá nhỏ và không có chi phí quảng bá riêng", bà Lý Phương Dung chia sẻ.
Trước những khó khăn liên quan đến việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách Nhà nước, đại diện Cục Điện ảnh đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) chỉ đạo các cơ quan tham mưu, quản lý tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế để tạo hành lang pháp lý chắc chắn, không chồng chéo, hoặc mâu thuẫn với các quy định đã được ban hành.
Cần cơ chế tháo gỡ
Để tháo gỡ những khó khăn cho việc phát hành, phổ biến, quảng bá phim sử dụng ngân sách Nhà nước, theo bà Lý Phương Dung, Cục Điện ảnh đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho thí điểm cơ chế chi trả cũng như xây dựng một khung cơ chế rõ ràng, nguồn ngân sách cụ thể về phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Cục Điện ảnh cũng kiến nghị bổ sung các quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Bà Lý Phương Dung cho rằng, cần rà soát các quy định có liên quan để điều chỉnh hoặc phối hợp với các bộ, ngành khác kiến nghị điều chỉnh sao cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về quan điểm, chủ trương và thuận lợi khi áp dụng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành có đề cập đến xã hội hóa trong sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật lại chưa có quy định cụ thể nào về xã hội hóa. Như vậy tạo ra một điểm nghẽn với loại phim này, dẫn tới hiện tượng phim sử dụng ngân sách Nhà nước hay do Nhà nước đặt hàng chỉ chiếu phục vụ ngày lễ và cuối cùng là "cất kho".
Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, ngoài Trung tâm chiếu phim quốc gia, đa phần các rạp chiếu phim hiện nay là của tư nhân quản lý hay của các pháp nhân có vốn nước ngoài. Các rạp chiếu phim tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và theo quy luật thị trường, phim có đông người xem, phim tỷ lệ chiếm ghế nhiều sẽ được giữ lại, thậm chí chiếu tràn lan các suất chiếu sang các phòng chiếu khác.
Trong khi đó, những phim sử dụng ngân sách Nhà nước hay Nhà nước đặt hàng lại kén khách, không hướng nhiều đến các tiêu chí giải trí mà hướng đến tiêu chí tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị; khi ra đến rạp, nếu không có tiền thuê rạp, cùng các chi phí khác rất khó để các chủ rạp tổ chức chiếu và đây chính là điểm nghẽn.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ, rất nhiều phim do Nhà nước đầu tư, làm xong và chỉ ra mắt khán giả một thời gian rất ngắn, thu hút lượng khán giả rất nhỏ bởi không có chi phí quảng cáo cho bộ phim khi phát hành.
"Các nhà sản xuất tư nhân đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho phát hành, trong khi đó Nhà nước chỉ chi nhiều nhất 100 triệu đồng cho họp báo ra mắt phim và tất cả các chi phí cho quảng cáo, quảng bá một bộ phim trước khi ra rạp là hoàn toàn không có. Phim "Đào, phở và piano" gây được tiếng vang vừa qua thậm chí, đoàn phim cũng không kịp chuẩn bị poster, không kịp chuẩn bị trailer để chiếu", Chủ tịch Hội Điện ảnh chỉ ra thực tế.
"Đầu tư cho sản xuất phim nhưng không đầu tư cho quảng bá, phát hành, đó là không đồng bộ. Nhà nước sớm giải quyết triệt để những điểm nghẽn để tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, đầu tư đến được với số đông công chúng và phát huy được hết những giá trị của các bộ phim"- ông Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Điện ảnh, việc quảng bá các tác phẩm điện ảnh trên truyền hình là cần thiết góp phần đưa các tác phẩm điện ảnh chất lượng, do Nhà nước đặt hàng đến được với đông đảo Nhân dân. Trước đây, chương trình Điện ảnh chiều Thứ Bẩy làm rất tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà chương trình đã dừng lại.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, cần có những kênh quảng bá điện ảnh Nhà nước đặt hàng nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung trên truyền hình, đó là con đường hữu hiệu để điện ảnh đến với đông đảo khán giả./.