Cách thức bảo vệ tài sản văn hóa trước rủi ro của biến đổi khí hậu là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam
16/02/2024 | 08:42Năm 2006, UNESCO đã công nhận những rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu đối với các Di sản Thế giới.
Rủi ro khí hậu đối với tài sản văn hóa
Xói mòn do mực nước biển dâng cao đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bức tượng Moai mang tính biểu tượng của Rapa Nui (Đảo Phục Sinh) và cũng phá hủy nhiều khu vực của Kilwa Kisiwani, một thành phố lịch sử ở Tanzania.
Độ mặn ngày càng tăng do mực nước biển dâng cao cũng gây nguy hiểm cho Thành phố Hồi giáo Bagerhat, Bangladesh. Lượng mưa cao đã làm suy yếu tính toàn vẹn cấu trúc của các địa điểm từ Edinburgh đến tàn tích Chan Chan ở Peru.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), người dân ở các quốc đảo Maldives, Tuvalu, Quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati sẽ không thể tiếp tục sinh sống do mực nước biển dâng cao vào năm 2100.
Bất kỳ sự mất mát nào liên quan đến di sản văn hóa nào cũng có thể tác động tiêu cực đến cộng đồng và cá nhân.
Chính vì lý do này, các quốc gia thành viên trên thế giới nên được khuyến khích xem xét cách thức bảo vệ di sản quốc gia, trong đó UNESCO dẫn đầu các dự án phục hồi di sản. Chẳng hạn trong bối cảnh tài sản văn hóa do ISIS gây ra bị phá hủy, UNESCO đã tài trợ cuộc triển lãm năm 2016 ở Rome trưng bày bản sao của các hiện vật bị phá hủy
Đáng chú ý, việc tận dụng phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức. Chiến dịch xã hội #Unite4Heritage, do UNESCO phát động vào năm 2015, mang đến khuôn khổ tiềm năng giúp trao quyền cho người dân địa phương chia sẻ các câu chuyện và video trên mạng truyền thông xã hội.
Mặc dù phong trào này đã ngừng hoạt động nhưng chiến lược mà phong trào đưa ra có thể giúp phát triển nhận thức toàn cầu về các tài sản văn hóa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Lợi ích từ thiên nhiên
Các giải pháp tiết kiệm chi phí khác có thể bắt nguồn từ hệ sinh thái tự nhiên. Rừng ngập mặn Sundarbans ở Ấn Độ và Bangladesh có tác dụng bảo vệ lũ lụt ven biển trên bờ biển dài 2.200 km (1.367 dặm) với khả năng giảm chiều cao và tốc độ của sóng nước. Nếu không tận dụng những lợi ích từ thiên nhiên, chi phí phải trả sẽ lên tới 300 triệu USD trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhân tạo để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, người dân của hàng trăm ngôi làng đã hợp tác với các nhà bảo tồn và lập bản đồ cảnh quan, trồng rừng ngập mặn và xác định các địa điểm để trồng rừng ngập mặn mới.
Nhờ những nỗ lực như vậy, dân làng kiếm được vài trăm đô la Mỹ hàng năm, một khoản tiền có ý nghĩa trong khu vực. Mặc dù ban đầu còn thiếu sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng thành công đã được chứng minh là giảm xói mòn.
Ở khu vực gần đó như Bhitarkanika, việc trồng rừng ngập mặn cũng giúp tăng cường khả năng bảo vệ khỏi xói mòn, nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu. Làng Badakot đã trồng một khu rừng ngập mặn rộng 25 mẫu Anh giúp giảm đáng kể tốc độ xói mòn, điều mà trước đây từng là mối lo ngại lớn trong khu vực.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu có khả năng gây ra lốc xoáy dữ dội hơn, lợi ích của rừng ngập mặn là đáng kể trong việc hạn chế sự tàn phá của lũ lụt. Nỗ lực này sẽ bảo tồn các tài sản văn hóa ở những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiệu quả của những nỗ lực, cụ thể là các giải pháp tận dụng lợi ích từ thiên nhiên có thể nói lên khả năng ứng phó rất tốt trước biến đổi khí hậu.
Kỹ thuật
Trong khi các dự án dựa vào cộng đồng có khả năng tiếp cận công nghệ như trồng rừng ngập mặn có hiệu quả tài chính đối với các khu vực nghèo hơn thì một số quốc gia cũng có đủ cơ hội để theo đuổi các dự án kỹ thuật quy mô lớn.
Dự án tương tự như hệ thống cửa xả lũ MOSE trị giá 5,3 tỷ USD ở đầm Venice. Mặc dù dự án này đã bảo vệ Venice khỏi mực nước mà trước đây có thể làm ngập thành phố nhưng các dự báo cũng được sử dụng để xây dựng giờ đây có thể đã lỗi thời.
Nếu mực nước dâng quá cao, các cửa cuối cùng có thể cần phải được kích hoạt mọi lúc, điều này sẽ biến đầm phá thành đầm lầy. Chi phí của một dự án như vậy sẽ rất cao đối với nhiều cộng đồng và nếu những dự đoán ban đầu không chính xác thì những hệ lụy tiếp theo có thể xảy ra.
Khoảng thời gian trễ giữa kế hoạch ban đầu và thời điểm hoàn thành xây dựng có thể trở thành một khoản nợ tài chính nếu thực tế về khí hậu diễn biến bất ngờ trong quá trình xây dựng. Điều này cộng thêm những lo ngại chi phí vượt mức.
Trong khi các dự án chống lũ lụt như MOSE có thể không tiếp tục duy trì thì những cải tiến kỹ thuật mới có thể được áp dụng ở quy mô nhỏ hơn.
Tiềm năng của kiến trúc nhà lưỡng cư, trong đó thiết kế các tòa nhà nổi lên trong nước lũ thay vì bị hư hại hoặc phá hủy là một minh họa. Các tòa nhà lịch sử có thể được trang bị thêm nền móng nổi để giữ được hình dáng và vị trí bên ngoài lịch sử đồng thời tăng cường khả năng chống lũ lụt.
Số hóa
Quốc đảo Tuvalu cũng đã nhận ra tiềm năng của các giải pháp công nghệ giúp bảo tồn văn hóa. Chính phủ đã phát động sáng kiến nhằm đảm bảo rằng Tuvalu sẽ tồn tại ở định dạng kỹ thuật số trong vũ trụ ảo metaverse.
Bản thân các hòn đảo Tuvalu đóng một vai trò tinh thần quan trọng trong văn hóa địa phương, theo nghĩa đại diện cho di sản vật chất. Khi nước biển dâng, nông nghiệp ở quốc đảo Thái Bình Dương Tuvalu trở nên bấp bênh, và nghề đánh cá phát đạt một thời cũng bắt đầu suy sụp.
Tình hình đất nước rất cấp bách. Trong khi các quốc gia khác có thể di chuyển đồ đạc vào đất liền hoặc lên những vùng cao hơn thì việc di dời các địa điểm văn hóa về lâu dài ở Tuvalu là không khả thi. Cùng với đó là dự đoán mức độ nghiêm trọng của rủi ro mà đất nước phải đối mặt nếu không khắc phục được tác động của biến đổi khí hậu.
Do đó, số hóa có thể trở thành cách hợp lý duy nhất để duy trì các yếu tố của văn hóa Tuvalu và có thể tận dụng thực tế ảo để giữ gìn bản sắc văn hóa Tuvalu luôn sôi động ngay cả khi bị di dời khỏi vùng đất tổ tiên.
Ngày nay, thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tài sản văn hóa trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy nỗ lực bảo vệ các điểm đến di sản.
Phương tiện truyền thông xã hội có thể nâng cao nhận thức về những phần tài sản văn hóa quan trọng. Tiềm năng kết hợp của những hiểu biết khoa học về biến đổi khí hậu, các biện pháp can thiệp kịp thời giảm thiểu thiệt hại từ thiên nhiên và nhân tạo cũng như các ứng dụng mới trong kỹ thuật số như vũ trụ ảo metaverse có thể thúc đẩy công tác bảo tồn văn hóa có giá trị hơn./.