Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

05/12/2022 | 15:39

Nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền đã hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trên cả nước là trên 55 tỷ đồng. Ảnh minh họa/TTXVN

Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới và ở Việt Nam, Bộ VHTTDL đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, có hàng loạt văn bản đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong năm 2020, Bộ VHTTDL có 5 văn bản đề xuất, bao gồm Công văn số 1156/BVHTTDL-TCDL ngày 19/3/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về các chính sách hỗ trợ liên quan đến dịch Covid-19; Công văn số 1399/BVHTTDL-TCDL ngày 09/4/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Công văn số 3406/BVHTTDL-TCDL ngày 16/9/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19; Công văn số 401/BVHTTDL-TCDL ngày 30/9/2020 và Công văn số 482/BVHTTDL-TCDL ngày 19/11/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất các chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Năm 2021, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao tiếp tục có các văn bản như: Công văn số 817/BVHTTDL-TCDL ngày 15/3/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19; Tờ trình số 35/TTr-BVHTTDL ngày 12/3/2021 gửi Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Công văn số 2085/BVHTTDL-TCCB ngày 18/6/2021 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đội ngũ nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Tờ trình số 131/TTr-BVHTTDL ngày 23/6/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khủng hoảng, phục hồi hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành như: chính sách giảm giá điện, chính sách giảm tiền thuê đất, chính sách giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên, chính sách hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch, chính sách giảm tiền ký quỹ.

Cụ thể, năm 2020, chính sách cho phép các cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng theo giá điện sản xuất đã được thực hiện 2 đợt: Đợt 1 (tháng 4, 5, 6/2020) và Đợt 2 (tháng 10, 11, 12/2020). Năm 2021, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện. Theo đó, các cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được giảm giá điện từ tháng 6 đến tháng 12/2021.

Bên cạnh giảm giá điện, Chính phủ cũng ban hành chính sách giảm tiền thuê đất. Năm 2020, chính sách giảm tiền thuê đất được triển khai theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, theo đó, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất. Năm 2021, Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, theo đó thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

Chính phủ cũng giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên. Mức phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đã được giảm 50% theo quy định tại Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 và Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đến hết tháng 6/2021). Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 kéo dài quy định về giảm phí trên trong năm 2021.

Cùng với đó là chính sách hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó hỗ trợ 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ngay sau đó, ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc hoặc vay vốn trả lương cho người lao động để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Và một trong những giải pháp hỗ trợ quan trọng được Chính phủ triển khai là chính sách giảm tiền ký quỹ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 trong đó có giao Bộ VHTTDL rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Có thể nói rằng, trong các năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng một loạt các giải thưởng quốc tế uy tín, như Việt Nam là Điểm đến văn hóa, Điểm đến di sản, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á… Việt Nam cũng được tạp chí Travel & Leisure của Mỹ xếp hạng đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân năm 2021, CNN Travel lựa chọn Việt Nam ở vị trí thứ 13 trong số 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và ngày càng hấp dẫn, chuyên nghiệp, bền vững hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×