Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các dự án cộng đồng về sách: Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

03/10/2018 | 08:48

Trong nỗ lực xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc có sự góp sức không nhỏ từ các dự án cộng đồng do một số cá nhân thành lập. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy thế mạnh của các dự án, đem lại hiệu quả thực sự cho cộng đồng, là vấn đề cần được lưu tâm.

Chị Trần Thị Kim Thoa giới thiệu về “Tủ sách giải trí và giáo dục” tại chương trình “Book Tank” do Đường sách TPHCM tổ chức

Chung một chí hướng 

Hiện tại trên cả nước có rất nhiều dự án cộng đồng với mục tiêu chung là phát triển và lan tỏa văn hóa đọc. Mỗi dự án lại có cách thức hoạt động khác nhau. Có thể kể đến như “Trạm đọc”, “Mọt sách confession”… với mục tiêu chia sẻ, giới thiệu sách hay cho những ai muốn tìm đọc sách mà chưa biết phải bắt đầu từ đâu. “Sách chuyền tay - Books in city” cho mượn sách không tốn phí, đang là mô hình được nhân rộng trong cả nước…

Không chỉ tặng các tủ sách với những tựa sách chọn lọc phù hợp với đối tượng được tặng, các nhóm còn thực hiện những buổi trò chuyện truyền cảm hứng về việc đọc, các buổi hướng dẫn dành cho giáo viên - cán bộ thư viện để giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách. “CLB Sách và hành động” được khởi xướng từ năm 2014, chuyên thành lập các CLB sách trong trường học. Tổ chức khóa học đọc sách dành cho sinh viên và giảng viên; thành lập CLB sách; tổ chức các buổi trò chuyện theo chủ đề, giao lưu  tác giả… tạo thành một “hệ sinh thái đọc” trong trường học là mô hình mà “Book & Friend” theo đuổi.

Được thành lập vào tháng 9-2014, “Book connect” được biết đến là một cộng đồng chia sẻ, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ, đặc biệt là khu vực TP Cần Thơ. Hoạt động chính của dự án là trao đổi sách, cho mượn sách miễn phí, tổ chức các buổi thảo luận về sách hàng tuần và các sự kiện khác liên quan đến sách. Đặc biệt, “Book connect” còn thực hiện bản tin “Hẹn hò sách” theo định kỳ 2 tháng/số, tập hợp những bài viết theo chủ đề về những cuốn sách hay và vấn đề liên quan đến sách.

Cũng được thành lập vào năm 2014, “CLB Sách vàng” với thành viên chủ yếu là sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM do giảng viên Phạm Quỳnh Giang sáng lập, khuyến khích các bạn trẻ tìm đến sách cũng như truyền cảm hứng đọc sách. CLB thường tổ chức các chương trình theo chủ đề, gần đây là chương trình “Đi tìm hạnh phúc phía sau cánh cửa đại học” với sự tham gia của 2 tác giả trẻ Phi Tuyết, Dương Duy Bách, thu hút gần 300 bạn trẻ tham dự.

Cần sự kết nối

Sự đa dạng về hình thức tổ chức và nội dung hoạt động của các dự án phát triển văn hóa đọc cho thấy sự lan tỏa loại hình này trong cộng đồng là một nhu cầu có thật, xuất phát từ tình yêu dành cho những quyển sách có giá trị. Tuy nhiên, điểm chung của các dự án hiện nay là hoạt động theo tính chất phi lợi nhuận, không chủ động được tài chính. Trương Lê Na, người sáng lập mô hình “Book & Friend”, chỉ ra: “Trong giai đoạn xây dựng mô hình, yếu tố tiền bạc có thể được bù đắp bằng sự tình nguyện của các thành viên. Nhưng ở giai đoạn nhân rộng mô hình, tài chính là bài toán lớn mà các dự án phải đối mặt và nếu không thể vượt qua giai đoạn này, các dự án sẽ dừng lại”.

Trong cái khó ló cái khôn, để tháo gỡ bài toán về kinh phí, “CLB Sách và hành động” lại lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp. Đầu tháng 9 năm nay, CLB vừa kết hợp với Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Cà Mau cùng một doanh nghiệp tại địa phương, tổ chức lễ phát động “Xây dựng văn hóa đọc sách trong thanh thiếu niên”, giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, các “CLB Sách và hành động” sẽ được xây dựng tại các trường ĐH, THPT, THCS của Cà Mau để làm nòng cốt phát triển văn hóa đọc. Các hoạt động bên lề như: hội sách, cuộc thi tìm hiểu sách cũng được tổ chức đều đặn nhằm tạo điều kiện để thói quen đọc sách được ươm mầm và lan tỏa mạnh mẽ.

Trên thực tế, các dự án đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm” dù tất cả đều có chung một mục tiêu. Việc tập hợp những dự án cộng đồng về sách để người yêu sách có cơ hội học hỏi, giao lưu, cùng hợp tác phát triển những mô hình hay nhằm tiết kiệm nguồn lực và tối ưu hóa chi phí hoạt động, hầu như chưa được chú trọng. Vậy nên, việc Ban quản lý Đường sách TPHCM tổ chức hoạt động “Book Tank” - một hoạt động ăn theo show “Shark Tank” nổi tiếng trên truyền hình trong dịp kỷ niệm Ngày Sách thế giới hồi tháng 4 năm nay được xem là một ý tưởng hay. Thông qua hoạt động này, các dự án cộng đồng về sách có cơ hội được giới thiệu trước công chúng bằng các hoạt động chính trên sân khấu lẫn bàn trưng bày ngay tại đường sách. Không chỉ tạo cơ hội để các dự án cộng đồng về sách giao lưu với khán giả và với nhau, hoạt động này còn là dịp để họ có cơ hội thuyết phục các nhà đầu tư đầu tư vào dự án của mình.

Nguyễn Thuận, một trong những thành viên đầu tiên của “Sách và hành động” tại TPHCM, cho rằng : “Mỗi dự án có một thế mạnh riêng, khi các dự án cùng bắt tay với nhau sẽ phát huy được các thế mạnh của nhau, từ đó tạo nên hiệu quả khi thực hiện một mục tiêu chung”.

Theo chị Trương Lê Na, việc hình thành thói quen đọc cần thời gian và cả không gian để hiện thực hóa các ý tưởng. Không gian lý tưởng đó là trường học, ngôi nhà, các không gian văn hóa công cộng (thư viện, đường sách…) và hệ thống thông tin kết nối các không gian này với nhau. Nếu chúng ta có thể tạo thành một “hệ sinh thái văn hóa đọc” xuyên suốt từ môi trường xã hội vào đến trường học, các dự án cộng đồng về sách, hệ thống đường sách các tỉnh thành và các CLB sách trong trường học, không gian văn hóa đọc sẽ không còn gói gọn trong phạm vi một con đường, một ngôi trường hay một thư viện.

Theo SGGP

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×