Các điểm đến Đông Nam Á "chạy đua" mở cửa du lịch đón mùa cao điểm
02/11/2021 | 10:47Trong bối cảnh mùa cao điểm du lịch cận kề, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu lộ trình mở cửa trở lại để thu hút khách quốc tế.
Thái Lan đi đầu về mở cửa du lịch
Thái Lan là một trong những nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mở cửa cho du khách nước ngoài mà không cần phải cách ly. Ngay từ tháng 7, Thái Lan đã triển khai chương trình "Phuket sandbox" miễn cách ly cho du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ và thu được một số thành công nhất định. Sau đó, Thái Lan mở rộng chương trình này ra nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác và tiến tới mở cửa cả đất nước bắt đầu từ ngày 1/11.
Theo đó, du khách đã tiêm phòng từ một số quốc gia, nằm trong danh sách mà Thái Lan cho là có nguy cơ thấp, có thể nhập cảnh vào nước này bằng đường hàng không và không phải cách ly kiểm dịch. Các du khách từ các nước không nằm trong danh sách sẽ cần tuân thủ một số quy định và biện pháp phòng dịch bổ sung, bao gồm cách ly y tế
Để mở cửa du lịch an toàn trong bối cảnh đại dịch, kinh nghiệm của Thái Lan là dành vaccine để tiêm chủng cho các khu vực đã được xác định mở cửa, đầu tiên là đảo du lịch Phuket. Mặc dù ở các khu vực này vẫn có những ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19 tại Thái Lan như hồi tháng 9 vừa qua, thậm chí hòn đảo Phuket đã phải phong toả vì nỗi lo dịch bệnh tràn vào từ đất liền; tuy nhiên với việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng ở các khu vực khác nên mọi thứ lại quay trở lại bình thường.
Ngoài ra, cách Thái Lan quảng bá các tour du lịch "Phuket sandbox" cũng khiến du khách nước ngoài tò mò và thích thú. Họ sẽ không bị cách ly bắt buộc mà được di chuyển thoải mái trên cả một hòn đảo. Mặc dù mới có hơn 40% dân số Thái Lan được tiêm đầy đủ vaccine, nước này vẫn chọn mở cửa trong giai đoạn cuối năm nhằm đón đợt khách lớn nhất trong năm.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua đã kêu gọi các nước trong khu vực thực hiện các bước đi tương tự, nhằm mở cửa trở lại và tạo điều kiện phục hồi kinh tế cho khu vực. Việc các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua khung thoả thuận hành lang đi lại sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các quốc gia thành viên. Thứ nhất, đó là việc bớt đi những rào cản không cần thiết trong việc đi lại, đầu tiên cho mục đích công vụ và tiếp đó sẽ là mục đích du lịch.
Thứ hai, việc đi lại thông suốt trong khối sẽ mang lại những kinh nghiệm hữu ích, từ đó giúp các nước ASEAN có thể mở rộng ra các khu vực khác. Ngoài ra, việc tạo ra khung hành lang cũng giúp duy trì chuỗi cung ứng, tránh đứt gãy ở Đông Nam Á - nơi đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, việc công nhận "hộ chiếu vaccine" lẫn nhau cũng giảm phiền hà cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương, buôn bán nội khối, qua đó phần nào giúp phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch.
Indonesia: Bali mở cửa 2 tuần nhưng chưa có khách
Từ đầu tháng 10, khi dịch bệnh được kiểm soát với số ca mắc COVID-19 giảm tới 90% so với đỉnh dịch tháng 7, Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh vào nước này, từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.
Đến ngày 14/10, Indonesia đã mở cửa cho du khách quốc tế từ 19 quốc gia đến đảo du lịch Bali và quần đảo Riau. Đây là hai địa phương đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, trong đó Bali đã hoàn thành 100% tiêm chủng mũi một và 85% tiêm chủng đủ hai mũi vaccine COVID-19 với mục tiêu hút khách tới đây.
Tuy nhiên, sau 2 tuần mở cửa, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca mắc mới tiếp tục giảm nhưng chưa có chuyến bay quốc tế nào hạ cánh tại Bali. Việc mở cửa nhưng thiếu kết nối quốc tế khiến cho du khách nước ngoài chưa lựa chọn đi du lịch Indonesia thời gian này. Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết việc các chuyến bay quốc tế chưa đến Bali là do các hãng hàng không vẫn đang tiến hành phân tích mức độ nhu cầu của hành khách.
Bên cạnh việc thiếu các đường bay quốc tế, để phục hồi ngành du lịch Indonesia còn phải trải qua rất nhiều thách thức khác, chẳng hạn như khởi động lại các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng vốn trải qua sụt giảm nghiêm trọng về thu nhập trong thời gian qua; chưa kể số lượng lớn nhân viên đã nghỉ việc và nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vĩnh viễn. Một khó khăn nữa của Indonesia là sự thiếu vắng du khách Trung Quốc - thị trường nguồn hàng đầu của Bali.
Trong thời gian tới, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết sẽ dần dần mở cửa các đường bay quốc tế tại khu vực đạt tỷ lệ tiêm chủng 70%. Các sân bay quốc tế ở những khu vực này sẽ được mở với điều kiện tương tự như Bali và quần đảo Riau. Trong đó, du khách phải có chứng nhận tiêm đủ vaccine tối thiểu 14 ngày bằng tiếng Anh trước khi khởi hành, và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 3 ngày. Du khách quốc tế đến đảo Bali và Riau phải có bảo hiểm y tế với mức chi trả tối thiểu 100.000 USD, trong đó bao gồm chữa trị COVID-19.
Với chính sách mở cửa thận trọng của Indonesia, các chuyên gia đánh giá Bali sẽ khó lòng cạnh tranh được với các điểm đến khác của Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Campuchia, khi các quốc gia này sẽ mở cửa với những chính sách nới lỏng hơn từ tháng 11, thậm chí có nơi miễn cách ly cho du khách quốc tế.
Chính phủ Indonesia hiện đang tiến hành đánh giá lại các quy định liên quan đến việc mở cửa đường bay quốc tế, đồng bộ hóa dữ liệu khách sạn cách ly và xem xét lại chính sách về bảo hiểm. Nước này cũng nỗ lực quảng bá du lịch Bali bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp và đại diện của Indonesia ở 19 quốc gia trong danh sách, qua đó thúc đẩy, tăng cường thu hút khách tới Indonesia, đặc biệt là Bali.
Campuchia tung ra "gói du lịch an toàn" miễn cách ly
Khi ít nhất 80% dân số đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 và tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định dần mở cửa trở lại theo từng giai đoạn. Trong đó với sự thận trọng và trách nhiệm cao, Campuchia đang dần nới lỏng các quy định về đi lại và cách ly phòng dịch khi nhập cảnh.
Cụ thể, đối với khách mời đặc biệt của Chính phủ Campuchia hoặc cán bộ cấp cao của chính phủ đi công tác nước ngoài trở về sẽ áp dụng theo từng trường hợp. Áp dụng quy định cách ly 03 ngày đối với nhà đầu tư, chuyên gia, cán bộ ngoại giao, cán bộ các tổ chức nước ngoài và cán bộ của chính phủ đi công tác nước ngoài trở về ( bao gồm cả các thành viên gia đình của nhóm ưu tiên này).
Các đối tượng nhập cảnh còn lại, kể cả công dân Campuchia lẫn người nước ngoài, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày. Những người thuộc danh mục khác mà chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ vẫn phải cách ly tập trung đủ 14 ngày.
Hiện nay, Campuchia nỗ lực thu hút du khách từ các thị trường an toàn và có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở mức thấp; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và dịch vụ phù hợp với bối cảnh mới. Cùng với đó, Campuchia cũng thúc đẩy các hoạt động ngoại giao du lịch bằng cách tăng cường hợp tác với các nước vốn là thị trường chủ chốt.
Theo thông báo của Bộ Du lịch Campuchia ngày 26/10, các gói du lịch an toàn (cho du khách đã được tiêm vaccine COVID-19) sẽ triển khai tại thành phố Preah Sihanouk, thành phố Koh Rong thuộc tỉnh Preah Sihanouk và khu nghỉ dưỡng Darasakor thuộc huyện Botum Sakor, tỉnh Koh Kong từ ngày 30/11/2021. Sau đó, hoạt động đón khách sẽ tiếp tục mở rộng tới tỉnh Siem Reap từ tháng 01/2022.
Đây là một phần trong kế hoạch du lịch an toàn dành cho du khách quốc tế đến Campuchia mà không cần phải cách ly tại khách sạn hoặc khu cách ly tập trung. Đặc biệt, du khách tới từ Thái Lan sẽ không cần phải cách ly.
Du khách nước ngoài cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ, bảo hiểm y tế chi trả điều trị COVID-19 và kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đến Campuchia. Khách du lịch phải ở lại ít nhất 5 ngày tại các địa điểm du lịch an toàn và trải qua 1 lần xét nghiệm COVID-19, sau đó có thể tiếp tục hành trình tới các địa điểm khác ở Campuchia.
Ngoài Thái Lan, Indonesia, Campuchia, mới đây Malaysia cũng tuyên bố sẽ thí điểm mở cửa trở lại đảo Langkawi cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ giữa tháng 11. Singapore cũng mở hành lang du lịch miễn cách ly cho du khách đã tiêm phòng đầy đủ từ một số quốc gia; hay Việt Nam dự kiến thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc từ cuối tháng 11 này. Có thể thấy, trước nhu cầu cấp thiết về tái mở cửa, phục hồi du lịch, mỗi quốc gia trong khu vực đang có những bước đi và chiến lược cho riêng mình, tuy nhiên đều ưu tiên sự an toàn và hiệu quả./.