Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các chuyên gia "hiến kế" để làm sống lại dòng tranh dân gian Đông Hồ từng vang bóng một thời

05/11/2019 | 16:38

Cả làng tranh dân gian Đông Hồ xưa nay chỉ còn 3 gia đình sống bằng nghề, còn lại đều đã bỏ “nghiệp ông cha” để chạy đua với cơm áo, gạo tiền. Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của dòng tranh này trong cuộc sống đương đại hiện nay, đây là bài toán khó đối với cả cơ quan chức năng cũng như chính những nghệ nhân đang “sống mòn” với nghề.

Vàng son một thuở

Làng Đông Hồ còn có tên cổ là làng Mái, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, vốn nổi tiếng với nghề làm tranh khắc gỗ dân gian. Tranh Đông Hồ chủ yếu bán nhiều vào dịp Tết Nguyên đán, người dân mua về treo tường để trang trí nhà cửa trong những ngày vui xuân, với mong muốn có một năm đủ đầy, no ấm.

Hướng đi nào cho dòng tranh dân gian Đông Hồ - Ảnh 1.

Tranh Đông Hồ.

Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 18 đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ đều tham gia làm tranh. Làng Đông Hồ xưa có chợ tranh tấp nập dịp tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) với 5 phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Từ các phiên chợ này, tranh Đông Hồ theo thương lái, xuôi ngược khắp mọi nẻo đường đất nước "Tranh Đồng Hồ gà lợn nét tươi trong – màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". Cứ từ khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch là cả làng Mái đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng tận dụng để phơi giấy làm tranh...

Đó là trước đây, còn hiện nay, cả làng tranh chỉ còn có 3 gia đình nghệ nhân còn làm nghề. Sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, người làng nghề không thể sống được với tranh nên "đành bỏ nghề". Bởi vậy, nguy cơ thất truyền của làng tranh dân gian Đông Hồ trong tương lai rất lớn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), vấn đề bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ, phát huy một dòng tranh đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thế giới nói chung...

Hướng đi nào cho dòng tranh dân gian Đông Hồ - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi hội thảo

Làm sống lại làng tranh Đông Hồ

Xuất phát từ thực tiễn, cùng những trăn trở này, tại hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Tranh Dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại", do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức (trong hai ngày 1 – 2/11), các nhà khoa học, đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệp để làm sao bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Tại hội thảo này, 14 học giả quốc tế đến từ Na Uy, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước, những nghệ nhân trực tiếp làm tranh dân gian Đông Hồ...đã đưa ra nhiều ý kiến xuất phát từ thực tiễn để giúp sống lại làng tranh độc đáo này.

Hướng đi nào cho dòng tranh dân gian Đông Hồ - Ảnh 3.

Các đại biểu quốc tế chăm chú lắng nghe các tham luận tại hội thảo.

Ông Ishii Seiki, học giả đến từ Nhật Bản đã chia sẻ việc chuyển giao các kỹ thuật và kiến thức về nghề thủ công truyền thống là một vấn đề nghiêm trọng ở Nhật Bản. Điều khó khăn nhất là khi xã hội không còn nhu cầu về hàng thủ công truyền thống trong đời sống hiện đại. Hầu hết các đồ truyền thống chỉ sử dụng cho sự kiện truyền thống và trở thành hàng hóa xa xỉ.

Theo học giả Ishii Seiki, trong hoàn cảnh như vậy, một số trường hợp ở Nhật Bản, nghề thủ công truyền thống đã được thay đổi theo lối sống hiện đại. "Mặc dù sản xuất hàng loạt là điều khó khăn, nhưng chúng tôi cung cấp số lượng cần thiết ở mức giá tối ưu để hiện thực hóa một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất về các sản phẩm truyền thống".

Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã và đang có sự quan tâm và giải pháp hữu hiệu nhằm khôi phục và bảo tồn làng nghề. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng dành cho việc bảo tồn làng tranh Đông Hồ những sự quan tâm không nhỏ. Hy vọng rằng, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ từng bước được khôi phục và duy trì nhằm bảo vệ, phát huy giá trị những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam và đồng thời, là một bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại.

GS.TS. Trương Quốc Bình

Trong khi đó, GS.TS. Trương Quốc Bình , Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, Tranh dân gian Đông Hồ là một dòng tranh đã trải qua hơn 600 năm tồn tại, cùng với các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng ở phía Bắc, tranh Làng Sình ở miền Trung và tranh dân gian Nam Bộ phía Nam tạo nên những giá trị dân gian truyền thống quý giá của quốc gia dân tộc Viêt Nam. Tuy nhiên, cùng với thời gian và những đổi thay của xã hội, nhiều giá trị của dòng tranh Đông Hồ đã bị phôi pha, biến dạng, nhiều tranh và bản khắc độc đáo đã không còn nguyên bản, lưu lạc, thất tán trong dân gian.

GS.TS. Trương Quốc Bình, nhấn mạnh rằng, một những thực trạng quan trọng cần quan tâm hiện nay là sự truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp của thế hệ tiếp nối (thế hệ trẻ). Đây là những thách thức không nhỏ cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa này. Tuy nhiên, cần có những chính sách hữu hiệu để duy trì sự truyền dạy của các nghệ nhân và hứng thú tiếp thu nghề của thế hệ trẻ để có thể duy trì những kinh nghiệm, tinh hoa nghề nghiệp truyền thống.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế (một trong số 3 gia đình nghệ nhân còn đang duy trì nghề là tranh tại Đồng Hồ) cho biết "Vấn đề quan trọng nhất để khôi phục làng nghề chính là đầu ra sản phẩm. Nếu Nhà nước quan tâm động viên về cả vật chất lẫn tinh thần và quảng bá làng nghề với bạn bè thế giới thì chắc chắn làng nghề sẽ được khôi phục…"

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra quan điểm, hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm ― bảo tồn tích cực, có nghĩa là đưa các giá trị vốn có của di sản vào phục vụ cuộc sống, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị đó một cách bền vững. Theo đó, cách thức bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững là một mô hình tất yếu và được coi là hiệu quả./.

Có tất cả 69 tham luận đến từ các đại biểu đã được gửi đến ban tổ chức và trình bày tại hội thảo. Đây là hội thảo khoa học quốc tế có quy mô tương đối lớn với sự tham gia của đông đảo học giả trong nước, quốc tế và đại diện người thực hành di sản, qua đó thể hiện mối quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ.

Vi Phong

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×