Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch

20/11/2021 | 08:04

Ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương lao đao vì mất việc làm, chất lượng công việc giảm sút và gia tăng chuyển dịch theo hướng phi chính thức. Tại Việt Nam, tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%, trong đó tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%...

Các chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch - Ảnh 1.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Ngày 18/11, tại Bangkok (Thái Lan), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố kết quả nghiên cứu về tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới việc làm trong ngành du lịch ở châu Á và Thái Bình Dương.

Bằng chứng từ năm quốc gia có sẵn dữ liệu - Brunei Darussalam, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã cho thấy mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn gấp bốn lần so với các ngành khác.

Gần 1/3 số việc làm bị mất liên quan đến ngành du lịch

Nghiên cứu ILO cho thấy, gần một phần ba tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành du lịch; trong đó ước tính chỉ riêng năm quốc gia kể trên đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Nếu tính cả rất nhiều việc làm liên quan gián tiếp đến ngành này, ước tính mức tổn thất việc làm thực tế liên quan đến ngành du lịch do đại dịch Covid-19 gây ra trong khu vực có lẽ còn cao hơn nhiều.

Giám đốc ILO Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bà Chihoko Asada-Miyakawa, cho biết: "Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch tại châu Á và Thái Bình Dương không khác gì một thảm họa. Ngay cả với những quốc gia trong khu vực đặc biệt chú trọng tới việc tiêm chủng và thiết kế những chiến lược dần mở cửa biên giới trở lại, việc làm và thời giờ làm việc trong những ngành liên quan đến du lịch ở các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trong năm tới có thể vẫn thấp hơn con số trước khủng hoảng".

Ở những nơi mà số lượng việc làm liên quan đến du lịch giảm khá ít, chất lượng của những công việc hiện có vẫn giảm rõ rệt. Lao động nữ dường như bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do phụ nữ tham gia với số lượng ngày càng lớn hơn vào các công việc phục vụ ăn uống, là những công việc được trả lương thấp nhất trong ngành du lịch.

Tổn thất thời giờ làm việc trong ngành du lịch cao hơn nhiều so với con số ước tính cho các ngành khác, theo đó số giờ làm việc bị giảm cao hơn hai đến bảy lần so với lao động trong các ngành không liên quan đến du lịch.

Năm 2020, số giờ làm việc bị giảm trong ngành này dao động ở mức 4% ở Việt Nam đến 38% ở Philippines. Thêm vào đó, do việc làm chính thức trong ngành du lịch sụt giảm, tình trạng lao động chuyển dần sang khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng.

Ngay cả khi mở cửa biên giới trở lại, dự báo lượng khách du lịch quốc tế trước mắt vẫn sẽ thấp. Vì vậy, chính phủ các nước có thế mạnh về du lịch có thể phải tìm cách đa dạng hóa kinh tế hơn nữa nhằm mục tiêu tạo thêm cơ hội việc làm mới trong những ngành không liên quan đến du lịch.

"Khi doanh thu từ du lịch chững lại và việc làm liên quan đến du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, đại dịch khiến chúng ta phải "cân nhắc lại" những chiến lược du lịch trung hạn và dài hạn. Vì vậy, cuộc khủng hoảng mang lại cơ hội điều chỉnh ngành du lịch hướng tới một tương lai có sức chống chịu tốt hơn và lấy con người làm trung tâm,"- bà Sara Elder, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của ILO, cũng là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết.

"Công cuộc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian và những lao động và doanh nghiệp trong ngành du lịch bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ để bù đắp những khoản thu nhập bị mất và bảo toàn tài sản của họ. Các chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng thời nỗ lực triển khai tiêm vaccine cho mọi người dân và cả lao động di cư"- bà Sara cho biết thêm.

Nỗ lực giảm thiểu tác động  của Covid-19 tới ngành du lịch 

Nhận thức được những thách thức trực tiếp mà cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra cho ngành du lịch, nhiều chính phủ đã áp dụng các biện pháp có tính mục tiêu  để hỗ trợ duy trì ngành, cùng với những nỗ lực rõ ràng hơn để chống đỡ nền kinh tế và thị trường lao động. 

Theo ILO, xét đến triển vọng phục hồi vẫn không chắc chắn, các chính phủ không nên dừng việc hỗ trợ quá sớm.

Có thể thấy rõ hiệu quả của các sáng kiến  hỗ trợ dành riêng cho du lịch phụ thuộc vào việc xây dựng lại mức độ tín nhiệm và bảo đảm an toàn cho khách du lịch thông qua việc thiết lập các quy trình bảo đảm vệ sinh và sức khỏe toàn diện để phòng Covid-19, cung cấp cơ hội tiếp cận vaccine rộng rãi cho người  dân, thống nhất về hộ chiếu vaccine giữa các nước và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và xét nghiệm địa phương tại các khu vực phụ thuộc vào ngành du lịch. Các biện pháp này đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ sức khoẻ của không chỉ du khách mà còn của những người làm việc trong ngành du lịch.

Hỗ trợ của Chính phủ cho ngành du lịch trước hết có thể được chia thành nhóm các sáng kiến kích thích tài chính, nhằm hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho các doanh nghiệp và bảo vệ việc làm và thu nhập cho người lao động. Thí dụ, Thái Lan đã ưu tiên triển khai các khoản vay ưu đãi nhằm giảm bớt khó khăn về tiền mặt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó có những khoản phân bổ riêng cho các công ty du lịch và lữ hành. Tương tự, Hàn Quốc thành lập một quỹ trị giá 243 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ các công ty du lịch thông qua hình thức tài trợ ưu đãi không thế chấp, cho vay lãi suất thấp và thời hạn hoãn trả nợ kéo dài một năm. Ở các nước như Campuchia, Malaysia và Philippines, các biện pháp miễn, giảm và hoãn nộp thuế đã được áp dụng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không và du lịch...

Thứ hai, là các biện pháp nhằm kích cầu du lịch, thông qua các ưu đãi cho du lịch nội địa và tạo điều kiện cho các tuyến du lịch quốc tế đặc biệt. Khi du lịch quốc tế vẫn bị giới hạn, việc thúc đẩy du lịch nội địa trong những giai  đoạn không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong nước đã và đang là yếu tố chủ chốt trong phản ứng chính  sách của một số quốc gia.

Theo ILO, dự kiến thời điểm sớm nhất ngành du lịch có thể hoàn toàn phục hồi là năm 2023. Trong những tháng vừa qua, các quốc gia trong khu vực đang tập trung triển khai tiêm chủng và xây dựng các chiến lược mở cửa lại  biên giới dần dần và hồi sinh ngành du lịch.

Biện pháp bong bóng du lịch đang được áp dụng rộng rãi hơn, kế hoạch sử dụng hộ chiếu vaccine đang thành hình và các yêu cầu cách ly đang được nới lỏng nhằm thu hút du khách đã tiêm chủng quay trở lại, đồng thời nỗ lực  khuyến khích du lịch nội địa. Tuy nhiên, con đường  phía trước dự kiến sẽ còn dài và gập ghềnh, và số lượng việc làm cũng như thời giờ làm việc trong các ngành liên quan đến du lịch tại các nước châu Á – Thái  Bình Dương trong năm nay và năm sau nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng.

Tại Việt Nam, hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tới ngành du lịch chủ yếu thể hiện ở khía cạnh giảm tiền lương và gia tăng tình trạng phi chính thức. Tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%, trong đó tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%. Trong khi số lao động phi chính thức trong ngành du lịch tăng 3% trong năm 2020, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%.


Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×