Các bảo tàng trên thế giới đang tiến hành số hóa hiện vật
19/09/2017 | 17:06Đầu tháng 11, Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc thông báo 99% tổng số hiện vật của họ đã có mặt trên trang web trực tuyến. Thông tin và ảnh của 68,033 hiện vật trong tổng số 68,934 hiện vật của bảo tàng (ngoại trừ một số danh mục hiện vật vì lý do bản quyền) đã có mặt trên trang web: www.nfm.go.kr.
“Hé lộ toàn bộ bộ sưu tập của bảo tàng đối với công chúng là lần đầu tiên tại Hàn Quốc”, ông Kim Yun-jeong - cán bộ phụ trách tại Phòng Nghiên cứu khoa học hiện vật của bảo tàng cho biết qua thông cáo báo chí ngày 04 tháng 11: "Miễn là họ xác định được nguồn gốc, thì mọi người có thể tự do sử dụng các hình ảnh và thông tin cho các mục đích học tập cũng như thương mại".
“Thông thường, khi công chúng đến tham quan bảo tàng, họ chỉ có thể nhìn thấy khoảng 5% của toàn bộ sưu tập. Do giới hạn về không gian và thời gian, nên không phải bảo tàng nào cũng trưng bày toàn bộ sưu tập của họ. Tuy nhiên, đây lại là một câu chuyện khác - vấn đề trực truyến”.
Trong một vài trường hợp, hình ảnh và thông tin về một số hiện vật trong bộ sưu tập của bảo tàng không phải là chất lượng cao nhất. Một số hình ảnh đen - trắng, độ phân giải thấp và các thông tin thường ngắn gọn, thậm chí không đầy đủ. Hầu hết các trường hợp đó, thì hiện vật thường là từ bộ sưu tập đầu tiên của bảo tàng (được mở cửa vào năm 1966). Thậm chí, vì một số lý do, các bảo tàng viên đã phản đối việc đưa thông tin lên mạng. Ông Cheon - Giám đốc bảo tàng cho biết, không cần đến sự đồng thuận tuyệt đối, bảo tàng đã quyết định tiếp tục cập nhật và nâng cấp cơ sở dữ liệu trực tuyến. Có thể gặp phải sự chỉ trích nhưng theo ông, đó có thể xem như là sự phản hồi để tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng.
Ở một chiều hướng khác, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mới chỉ cập nhật trực tuyến khoảng 7.200 hiện vật trên tổng số 370.000 hiện vật (có 375 báu vật quốc gia) trong các bộ sưu tập của họ. Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Korea JoongAng, bà Lee Hyun-ju, phát ngôn viên của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cho biết, mục tiêu cuối cùng của bảo tàng là số hóa toàn bộ bộ sưu tập. Tuy nhiên, bà không nói rõ thời điểm hoàn thành ngoại trừ cho biết công việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian.
Việc công bố rộng rãi cơ sở dữ liệu của các tổ chức chính phủ là phù hợp với chính sách quản lý của Tổng thống Park Geun-hye. Và chính quyền cũng đang cố gắng lôi kéo sự tham gia của các bảo tàng ngoài công lập.
Bảo tàng ngoài công lập Horim, nơi có 15.000 hiện vật đã đưa thông tin của 60 tài sản văn hóa (8 báu vật quốc gia và 52 báu vật) được chỉ định là tài sản quốc gia lên website. Và từ tháng 5, thông qua Dự án Nghệ thuật Google, 60 hiện vật đó đã được đưa lên internet trong số 124 hiện vật của bộ sưu tập thuộc Dự án.
Việc khuyến khích sự tham gia của các bảo tàng ngoài công lập trong việc số hóa các bộ sưu tập hiện vật trên “không gian ảo” có thể thành công hoặc không bởi đây không phải là trách nhiệm của họ. Nhưng những gì đang diễn ra đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới, các bảo tàng đã và đang tăng cường tự do hóa chính sách số hóa để nâng cao chất lượng và thu hút sự quan tâm của công chúng.
Trên thế giới, một số bảo tàng cũng đang thực hiện chính sách số hóa bộ sưu tập của mình:
Phòng tranh mỹ thuật Freer và Phòng tranh Arthur M. Sackler của Viện Smithsonian, dành riêng một khu vực trưng bày về nghệ thuật châu Á, đã công bố bộ sưu tập trực tuyến vào tháng 1. Hơn 40.000 hiện vật (nhiều trong số đó chưa từng được công bố) đã có mặt trực truyến với độ phân giải cao và không giới hạn về mặt bản quyền đối với các mục đích sử dụng phi lợi nhuận.
Theo thông báo của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York vào tháng 5 năm ngoái, đã có hơn 400.000 tác phẩm chất lượng cao của bảo tàng có thể tải xuống miễn phí và sử dụng với mục đích phi thương mại như các trang mạng xã hội. Cùng thời gian đó, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York cũng đã đăng tải hơn 7.000 tác phẩm, là một phần của dự án số hóa quy lớn được khởi động từ năm 2006.
Thư viện Tòa Thánh Vatican, một trong những thư viện lâu đời nhất trên thế giới, đã số hóa kho lưu trữ thư bản cổ và phục vụ miễn phí thông qua sự hợp tác với tập đoàn kỹ thuật số NTT DATA Nhật Bản. Thư viện đã đưa vào danh mục trực tuyến 4.500 tài liệu vào năm ngoái và hy vọng sẽ tiếp tục số hóa hơn 10.000 tài liệu trong vòng 4 năm tới. Và mục tiêu cuối cùng của thư viện là số hóa toàn bộ 82.000 danh mục tài liệu của họ.
Gần đây, Viện Bảo tàng Anh cũng công bố, đã số hóa các bộ sưu tập của họ và có thể truy cập miễn phí. Bảo tàng đã hợp tác với Viện Văn hóa của Google giới thiệu trực tuyến tới công chúng gần 5.000 danh mục hiện vật, được xem như cam kết lớn nhất từ trước đến nay của Google. Neil MacGregor - Giám đốc đối ngoại của Viện Bảo tàng Anh cho biết, đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Bảo tàng, động thái này đã góp phần biến giấc mơ thành sự thật của Bảo tàng từ thế kỷ XVIII trở thành bộ sưu tập của thế giới. Ông MacGregor cho biết thêm trên tờ Guardian: “Mỗi người trên hành tinh này, có thể là Brazil hay Trung Quốc, Mozambique hoặc Ấn Độ đều có thể tham quan dễ dàng Viện Bảo tàng Anh và “họ sẽ có thể sử dụng bộ sưu tập như thể chúng là của họ và khám phá thế giới theo cách của mình”.
(Theo website Cục Di sản Văn hóa)