Bùng nổ các giải chạy đường dài
28/03/2024 | 07:28Thời gian gần đây, hầu như mỗi cuối tuần lại có một giải chạy đường dài được tổ chức. Điều này cho thấy sự cuốn hút của môn thể thao này và là tín hiệu đáng mừng khi số người tham gia tập luyện thể thao đang tăng lên.
Bên cạnh những giải chạy truyền thống đã có từ lâu nhưng mỗi năm chỉ tổ chức một lần như các giải chạy do Báo Tiền phong, Báo Hà Nội mới tổ chức thì giờ đây, nhiều giải chạy mới đã xuất hiện và thu hút hàng nghìn vận động viên tham dự.
Sức lôi cuốn của các giải chạy
Đã trở thành xu thế chung, hầu hết các giải chạy đường dài đều tổ chức cự ly marathon 42,195 km, thậm chí có những giải, cự ly tranh tài lên tới cả trăm ki-lô-mét vượt rừng, núi chỉ dành cho các vận động viên đã rèn luyện lâu năm.
Báo Tiền phong là đơn vị tiên phong tổ chức chạy đường dài với quyết định đưa bán marathon vào thi đấu từ năm 2009, đến năm 2014 bắt đầu tổ chức thi đấu cấp quốc gia marathon. Trong khi đó, dù chỉ bắt đầu tổ chức một giải chạy marathon tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) từ năm 2019, thu hút hơn 5.000 vận động viên tham dự, đến nay hệ thống chạy marathon do Báo điện tử VnExpress đã mở rộng đến năm giải đấu trong tháng 4/2024 tại nhiều địa phương như: Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh.
Ở một giải khác, Topas Travel lại đưa hàng nghìn khách du lịch tới Việt Nam mỗi năm để tham dự các giải chạy ở các vùng núi Việt Nam, riêng giải chạy Ultra Marathon vừa tổ chức tại Mai Châu (Hòa Bình) ngày 20/3 đã thu hút hơn 2.000 vận động viên đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham gia. Đây là một trong những giải đấu được xem là khắc nghiệt bậc nhất tại Việt Nam khi nhiều vận động viên phải thi đấu liên tục khoảng 20 giờ mới về tới đích.
Từ các giải đã tổ chức và theo kế hoạch, trang web: happyrun.vn đã thống kê hầu như mỗi tuần trong năm 2024 đều có một giải chạy cự ly marathon tại Việt Nam, cho thấy sự phổ biến của môn thể thao được xem là phổ cập nhất hiện nay. Thực tế, tổ chức các giải chạy đường dài đang là “con gà để trứng vàng” bởi sự quan tâm của các nhãn hàng, nhà tài trợ và mức phí mà mỗi vận động viên phải đóng góp (khoảng 1 triệu đồng/người cho mỗi lần chạy marathon).
Những người truyền cảm hứng
Năm 2020, nhóm vận động viên thiện nguyện chạy để ủng hộ quỹ Tổ chức Phẫu thuật nụ cười đã chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau dài 2.603 km trong thời gian 251 giờ 11 phút và gây được quỹ để thực hiện 99 ca phẫu thuật cho các em nhỏ tại Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Tháng 4/2022, “dị nhân marathon” Nguyễn Văn Long (quê Gia Lai) đã chạy bộ từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến mũi Cà Mau trong 31 ngày liên tục với hành trình khoảng 2.846 km, trung bình 90 km/ngày.
Đến đầu năm 2023, 10 vận động viên phong trào cũng trong nhóm thiện nguyện Tổ chức Phẫu thuật nụ cười lại thực hiện thành công hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt từ Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau dài 2.600 km. Phong trào chạy cũng ghi nhận các thành tích cá nhân. Mới đây nhất, làng điền kinh Việt Nam lại bất ngờ khi vận động viên không chuyên Nguyễn Đăng Hiếu chạy 230,4 km trong 24 giờ được xem là thành tích tốt nhất Đông Nam Á. Trong năm 2023, một vận động viên không chuyên khác là Lê Thị Hằng đã thực hiện thành công dự án cá nhân chạy marathon liên tục trong 365 ngày tại thành phố Vũng Tàu. Cùng lúc, nam kỹ sư IT 39 tuổi Đào Bá Tuân đã xác lập kỷ lục chạy marathon liên tục 26 ngày với tổng quãng đường 8.200 km tại Hà Nội…
Cần chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức
Việc tổ chức các giải chạy kéo dài, thu hút cả chục nghìn vận động viên đã mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể, từ đó rất nhiều địa phương mong muốn được đăng cai tổ chức các giải chạy.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, không ít các giải chạy đã và đang tạo ra những phiền phức cho cộng đồng trong công tác tổ chức. Việc Ban tổ chức giải chạy đêm diễn ra tại hồ Hoàn Kiếm sử dụng loa công suất lớn suốt đêm cùng với việc “tranh thủ” mở quá nhiều ki-ốt bán hàng gây mất mỹ quan khu vực đường chạy dẫn đến việc Hà Nội đã phải cấm chạy đêm tại đây, đồng thời siết chặt việc mở các triển lãm với mục đích bán hàng quanh hồ Hoàn Kiếm. Các giải chạy lớn cũng gây ách tắc ở một số tuyến đường, đặc biệt hướng ra sân bay Nội Bài ảnh hưởng nhiều phương tiện di chuyển. Ngoài ra, không ít những cá nhân vì quá cố sức thể hiện đã khiến bản thân bị chấn thương, thậm chí có một số vận động viên đã tử vong trên đường chạy.
Hy vọng rằng, các ban tổ chức giải chạy trong tương lai sẽ cố gắng hơn nữa để tổ chức giải chạy an toàn, chuyên nghiệp. Mặt khác, các vận động viên nghiệp dư cũng cần duy trì tập luyện phù hợp điều kiện sức khỏe cá nhân để tránh những tai nạn đáng tiếc.