Bóng bàn Việt Nam với nỗ lực nâng tầm
25/09/2024 | 08:50Trong tháng 9/2024, nhiều tay vợt Việt Nam tham dự các giải quốc tế thuộc hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng bàn thế giới, chủ yếu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Chỉ dấu tích cực đó cần được duy trì trong suốt cả năm thay vì chỉ trong một tháng, để các tay vợt trọng điểm có thêm điều kiện nâng tầm về mọi mặt.
Dấu hiệu tích cực
Nhà quản lý và giới chuyên gia thể thao cho rằng, thi đấu quốc tế liên tục là giải pháp tốt nhất để nâng cao trình độ cho vận động viên (VĐV), muốn được như vậy thì phải có nguồn kinh phí để VĐV đi thi đấu quốc tế. Với thể thao Việt Nam, nguồn kinh phí ấy đến từ nhiều nguồn, như ngân sách được phân bổ cho Cục Thể dục thể thao, các đơn vị, ngành quản lý VĐV; các Liên đoàn thể thao quốc gia cũng như địa phương, các doanh nghiệp và chính gia đình VĐV.
Bóng bàn Việt Nam lâu nay chủ yếu trông vào nguồn ngân sách nhà nước và phần nào là các doanh nghiệp hỗ trợ VĐV đi thi đấu quốc tế. Nhưng, tất cả đều dừng ở mức tối thiểu, dẫn đến chuyện VĐV cả năm có khi chỉ thi đấu 1 - 2 giải quốc tế. Nhiều tay vợt hàng đầu, như Nguyễn Anh Tú (Hà Nội), không dự giải nào trong cả năm. Việc VĐV tập huấn dài hạn ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của gia đình kết hợp với đơn vị chủ quản, như trường hợp tay vợt Lê Tiến Đạt cách đây hơn chục năm, thực sự hiếm. Trong khi đó, nỗ lực đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu quốc tế (đa số mang tính giao hữu) chủ yếu đến từ một số HLV, doanh nghiệp...
Gần đây, đã có dấu hiệu tích cực về việc góp mặt nhiều hơn tại những sân chơi quốc tế của các tay vợt Việt Nam. Đầu tháng 9 này, tay vợt nam số 1 Việt Nam Nguyễn Anh Tú là tay vợt Việt Nam đầu tiên trong năm 2024 thi đấu ở hệ thống giải của Tổ chức điều hành các giải đấu bóng bàn chuyên nghiệp thế giới (WTT) - thường quy tụ nhiều tay vợt hàng đầu thế giới, là cơ hội để VĐV cải thiện thứ hạng thế giới. Theo đó, Nguyễn Anh Tú dự lượt giải WTT Contender 2024 ở Almaty (Kazakhstan) với sự tài trợ của Công ty Viet ED.
Ngoài Nguyễn Anh Tú, một số tay vợt trẻ đang lên là Nguyễn Như Quỳnh, Đỗ Mạnh Lương trong tháng 9 này cũng thi đấu hai lượt giải chuyên nghiệp của WTT tại Thái Lan, Lào. Riêng tại Lào, ngoài Như Quỳnh, Mạnh Lương, bóng bàn trẻ Việt Nam sẽ có thêm một số tay vợt khác đăng ký tham dự. Kinh phí phục vụ việc này do Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vận động một số doanh nghiệp, đơn vị chủ quản của VĐV tài trợ.
Ngoài thi đấu quốc tế, các VĐV Việt Nam còn có thể nâng tầm trình độ qua những giải quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Trung tuần tháng 9-2024, Giải bóng bàn quốc tế Côn Sơn lần thứ hai đã được tỉnh Hải Dương tổ chức, thu hút 8 đoàn trong nước và 4 đoàn quốc tế. Tuy vậy, nếu chỉ trông vào những giải đấu như Côn Sơn thì chắc chắn các tay vợt Việt Nam không đủ điều kiện thực hiện mục tiêu nâng tầm.
Tiếp thêm nguồn lực
Tổ chức cho VĐV thi đấu quốc tế thường xuyên thực sự là bài toán khó giải với Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam các nhiệm kỳ trước, do gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Bởi vậy, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029 khẳng định, việc huy động kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp để giúp VĐV được đi thi đấu quốc tế liên tục sẽ là ưu tiên trong cả nhiệm kỳ của Liên đoàn. Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải, đây là bài toán khó nhưng vẫn phải giải bằng được bởi thực tế đã chứng minh, chỉ có tập huấn và thi đấu nước ngoài liên tục thì VĐV mới nhanh chóng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm một cách hiệu quả.
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải từng là tay vợt nổi tiếng, có thứ hạng thế giới tốt nhất trong các tay vợt Việt Nam nhờ được tập huấn dài hạn tại Trung Quốc. Cách đây gần 20 năm, thể thao Hà Nội đưa hàng loạt VĐV năng khiếu đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Nam Hải. Những chuyến tập huấn ấy đã mang đến những lứa VĐV tài năng cho thể thao Thủ đô, cung cấp cho bóng bàn Việt Nam nhiều tay vợt giỏi như Lê Huy, Nguyễn Nam Hải, Nguyễn Anh Tú...
Hiện tại, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đang cố gắng giúp VĐV có nhiều dịp thi đấu quốc tế với nguồn kinh phí đến từ ngành Thể thao các cấp (vốn chỉ ở mức nhất định), gia đình VĐV và các doanh nghiệp. Khó khăn còn đó, nhưng chắc chắn rằng so với cách đây 1 - 2 năm, vai trò của Liên đoàn sẽ được thể hiện mạnh mẽ hơn trước đây rất nhiều trong việc tìm nguồn kinh phí giúp VĐV tập huấn, thi đấu quốc tế, để bảo đảm cho những VĐV trọng điểm của Việt Nam được thi đấu quốc tế trong cả năm thay vì chỉ 1 - 2 tháng.
Ngoài Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, gần đây, đơn vị chủ quản CLB bóng bàn Công an nhân dân T&T đã khẳng định trong thời gian tới sẽ đưa VĐV của CLB đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài nhiều hơn. Hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều đơn vị chung tay thực hiện mục tiêu nâng tầm bóng bàn Việt Nam.