Bộ VHTTDL đánh giá cao sự kiên quyết và trách nhiệm quản lý hoạt động lễ hội của địa phương
28/02/2019 | 14:39Mùa lễ hội 2019 đã qua giai đoạn "cao điểm", có thể nói, hầu hết các lễ hội đã diễn ra an toàn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Nhằm nhìn nhận một cách khái quát nhất, đánh giá rõ hơn về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 ở các địa phương, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Ninh Thị Thu Hương- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL).
- Thưa bà, cho đến thời điểm này, có thể nói, hầu hết các lễ hội Xuân trên cả nước đều đã diễn ra. Nhìn nhận về mùa lễ năm nay, dư luận cho rằng đây là một mùa lễ hội yên bình. Theo bà, mùa lễ hội 2019 đã có chuyển biến tích cực như thế nào?
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương
+ Năm 2019, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cụ thể:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 29 tháng 8 năm 2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, tạo cơ sở pháp lý tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ Trung ương tới địa phương chủ động tham mưu, ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Những tồn tại, hạn chế mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục.
Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.
Công tác tuyên truyền được các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội quan tâm, nội dung tuyên truyền phong phú như: tuyên truyền về lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích và việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội… đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội được đảm bảo.
Việc quản lý thu, chi tiền công đức được Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại các địa phương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, các biểu hiện tiêu cực, biến tướng trong các lễ hội và các vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi tổ chức lễ hội, có các hình thức động viên khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội của địa phương.
Lễ hội Phết Hiền Quan 2019 đã bị dừng tổ chức vì không đảm bảo an toàn
- Mùa lễ hội 2019 cũng là lễ hội đầu tiên mà Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định 110) đi vào đời sống. Nghị định có quy định về tạm dừng tổ chức lễ hội. Lễ hội Phết Hiền Quan cũng đã dừng tổ chức sau khi không đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội. Bà đánh giá như thế nào về việc địa phương kiên quyết không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức phần lễ trong lễ hội này?
+ Theo quy định tại NĐ 110 thẩm quyền cho phép tổ chức Lễ hội cướp phết Hiền Quan là do chính quyền địa phương quyết định, sau khi có hồ sơ thông báo hoặc đăng ký.
Việc quyết định cho tạm dừng của chính quyền địa phương do không đảm bảo trật tự an toàn cho người dân, không thực hiện được quy chế của lễ hội là đúng thẩm quyền và tuân thủ Nghị định của Chính phủ. Bộ đánh giá cao sự kiên quyết và trách nhiệm quản lý hoạt động lễ hội của địa phương.
- Việc dừng tổ chức lễ hội đã được quy định tại Nghị định 110. Theo bà, cùng với Nghị định này và sự quyết tâm của địa phương, có thể trở thành "tấm gương" cho các địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội?
+ Đúng vậy, bởi muốn có một lễ hội văn minh, an toàn và không bạo lực, địa phương cần phải có những giải pháp nhằm khắc phục những hiện tượng phản cảm, phải đổi mới phương thức, có các phương án để đảm bảo trật tự an toàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về giá trị truyền thống của lễ hội. Các địa phương khác khi tổ chức lễ hội phải thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 110.
- Với những hiện tượng còn tồn tại ở mùa lễ hội 2019, bà có chỉ đạo đổi mới như thế nào về công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương, để những hạn chế được giảm thiểu?
+ Để hoạt động lễ hội năm 2019 được diễn ra an toàn, hiệu quả, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách trong dịp đầu xuân Kỷ Hợi, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ:
Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Quản lý chặt chẽ việc thông báo và đăng ký tổ chức lễ hội trên địa bàn đảm bảo lễ hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.
Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Phối hợp với các sở, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội.
Xin trân trọng cảm ơn bà!