Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phải có những tác phẩm nghệ thuật mới làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần
27/05/2021 | 22:20Sáng 27/5, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghệ thuật của Bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề khó khăn, tồn đọng, cấp bách cần giải quyết.
Tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt. Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Văn phòng Bộ; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật của Bộ.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, buổi gặp mặt 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ diễn ra trong bối cảnh ngành VHTTDL đang nỗ lực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng đến tình hình kinh tế- xã hội của cả nước, trong đó có các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL. Bởi vậy, Bộ trưởng yêu cầu buổi làm việc tập trung vào tìm giải pháp có tính chiến lược, bài bản, đề xuất những chủ trương để xây dựng kế hoạch vượt khó cho nghệ thuật biểu diễn.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật báo cáo thẳng thắn, có trách nhiệm và tinh thần xây dựng về thực trạng của đơn vị mình đang quản lý để từ đó có những kiến nghị về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ và những vấn đề cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Bộ trưởng mong muốn, từ buổi làm việc này, Lãnh đạo Bộ sẽ có những định hướng phát triển nghệ thuật, báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật của Bộ nêu ý kiến về những khó khăn trong việc thực hiện tự chủ; về khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật; về bất cập trong chế độ lương cho nghệ sĩ, diễn viên… và cả những lo lắng khi sân khấu, nghệ thuật biểu diễn không đến được với khán giả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chia sẻ: Với đặc thù của nghệ thuật hát kịch, múa ballet, để trở thành một nghệ sĩ thì phải học nghề từ rất nhỏ, mất từ 12-16 năm. Nhưng khi ra trường đi làm hưởng lương trung cấp, không đủ tiền thuê nhà. Hiện nay, ngành ballet không tuyển được diễn viên, những ngành khó hơn càng không có người theo học. Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn nhân lực thì chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ quá thấp. Một buổi tập của solist chỉ được 80 ngàn đồng; biểu diễn được 200 ngàn đồng. Trong khi cũng nghệ sĩ đó, chạy show bên ngoài được 5-10 triệu/buổi. Vì vậy, dẫn đến việc chảy máu chất xám, chảy máu nguồn nhân lực.
NSƯT Trần Ly Ly đề xuất những giải pháp nhằm thu hút nhân lực, đó là nâng cao chế độ đãi ngộ, đầu tư đúng mức cho tác phẩm tương xứng với giá trị sản phẩm.
Cùng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn lo lắng về việc không có đạo diễn, diễn viên Tuồng. Đặc biệt là tác giả viết kịch bản Tuồng. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, hiện nay cả nước chỉ còn 4-5 tác giả nghệ thuật Tuồng. Diễn viên Tuồng cũng chỉ tốt nghiệp hệ Trung cấp, không có cơ sở đào tạo liên thông lên Cao đẳng, Đại học. Kéo theo đó là lương của nghệ sĩ rất thấp.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật như Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam… cũng đề nghị cần có cơ chế tháo gỡ bất cập về hợp đồng lao động. Hiện nay, lực lượng nghệ sĩ trẻ, đang là lao động chính tại Nhà hát thì chỉ được ký hợp đồng lao động, trong khi các nghệ sĩ đã hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu vẫn hưởng lương khiến các nhà hát rất khó khăn trong xử lý.
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, cần xác định lại các nhà hát, đơn vị nghệ thuật của Bộ tồn tại là nhu cầu của thị trường hay nhu cầu của Nhà nước. Xác định được nhu cầu mới xác định được đường hướng phát triển. Theo NSƯT Xuân Bắc, quy định đã biến nghệ sĩ thành công nhân nghệ thuật, để lại nhiều vướng mắc. Nếu nghệ sĩ có tuổi, không làm nghề nữa thì có chính sách hỗ trợ nào để họ về? "Quan trọng nhất là chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, điều kiện sống. Đó là những yếu tố để thu hút nhân lực, nhân tài"- NSƯT Xuân Bắc nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng đề xuất với Bộ trưởng những giải pháp như kết nối tour du lịch với chương trình biểu diễn nghệ thuật; đầu tư có trọng điểm cho các vở diễn, chương trình nghệ thuật; Bộ trưởng chỉ đạo kết nối, đưa các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật đến các địa phương, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhân dân...
Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng cũng có những ý kiến đóng góp, góp phần tháo gỡ khó khăn, định hướng phát triển cho các đơn vị nghệ thuật của Bộ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, việc đầu tư cho văn hóa, đầu tư cho nghệ thuật biểu diễn cần chú trọng tác phẩm đỉnh cao, cần sự nỗ lực của các nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật của Bộ, sao cho xứng tầm là những đơn vị nghệ thuật hàng đầu cả nước.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu ý kiến, cần sự đầu tư cho văn hóa để đưa nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa, nâng cao đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng bào các dân tộc.
Cho rằng những vấn đề được đặt ra hôm nay không mới, việc đầu tư cho văn hóa còn thấp, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị có thể kiến nghị, đề xuất Chính phủ tiếp tục đầu tư cho văn hóa qua các chương trình, đề án.
Còn theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trước mắt cần xây dựng đề án đặt hàng năm 2021-2022 theo vở diễn, đây là "gói cứu trợ" biểu diễn. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành đề án quảng bá tác phẩm tiêu biểu, đưa những tác phẩm chất lượng cao đến với khán giả.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ hiện đang quản lý các đơn vị nghệ thuật của Bộ. Bộ trưởng chia sẻ với các nghệ sĩ, dù còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết căn cơ nhưng các nghệ sĩ, các nhà hát đã có nỗ lực lớn, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bộ trưởng đánh giá cao nhiều thế hệ nghệ sĩ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hy sinh cá nhân vì nghệ thuật. "Đó là điều mà chúng ta phải trân trọng, lan tỏa đức hy sinh và sự cống hiến đó và sẻ chia với nhau"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ thực tiễn hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, Bộ trưởng cho rằng, Bộ phải báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề lớn:
Khẳng định lại sự cần thiết và duy trì, củng cố, phát triển các đơn vị nghệ thuật mang tính đỉnh cao của Bộ VHTTDL. Đây là những đơn vị tập trung giữ gìn, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta. Việc các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật tiếp tục phát triển, sẽ đưa giá trị văn hóa nghệ thuật tinh hoa của nhân loại, của dân tộc ta lan tỏa trong đời sống.
Hơn nữa, việc giữ và phát triển các đơn vị nghệ thuật còn là để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Mỗi nghệ sĩ thực sự là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, giữ gìn phát huy giá trị chân, thiện, mỹ.
Bộ trưởng đề xuất một số cơ chế, chính sách: Chủ động rà soát mô hình các đơn vị, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền cho giám đốc.
Cùng đó là việc rà soát lại, nâng cao nhân lực các nhà hát, điều chuyển biên chế những đơn vị chưa dùng đến đơn vị nào có nhu cầu tuyển dụng để thu hút nhân lực có chất lượng cao về đơn vị. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việc điều chuyển không được gây khó khăn, không được ban phát và phải sử dụng biên chế hợp lý".
Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế là cơ quan chủ trì, cùng với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị rà soát lại các văn bản pháp luật đề xuất Lãnh đạo Bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi.
Trăn trở vì hiện nay lương và phụ cấp của các nghệ sĩ quá thấp, Bộ trưởng yêu cầu, "điều gì không còn phù hợp thì phải tham mưu sửa đổi và việc sửa đổi phải có tầm nhìn dài hạn".
Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề hỗ trợ cho sáng tác và quảng bá các tác phẩm. Phải có những tác phẩm nghệ thuật mới làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần.
Chưa ban hành được nghị định về chế độ cho nghệ sĩ, lương và phụ cấp cho nghệ sĩ vẫn áp dụng cho thang bậc chung. Vì vậy, cần phải tiến hành nghiên cứu, đề xuất và bảo vệ ý kiến trước Thủ tướng Chính phủ. Cao hơn, phải đưa vào Luật NTBD. Luật NTBD là cái khung để mở ra con đường phát triển nghệ thuật biểu diễn, khi có luật rồi, những trăn trở của ngành NTBD sẽ được tháo gỡ.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần đề nghị Chính phủ có gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật khi đang đương đầu với đại dịch COVID-19. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" để những nghệ sĩ không có lương họ sống được với nghề.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ đề xuất xây dựng cơ sở vật chất nhằm tạo ra được thiết chế nghệ thuật cấp quốc gia.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương tập hợp lại những đề xuất thành báo cáo của Lãnh đạo Bộ với Thủ tướng. Báo cáo thể hiện trí tuệ của tập thể, của tất cả các nghệ sĩ hàng đầu của các loại hình nghệ thuật trên đất nước.
Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch tài chính trên cơ sở cơ chế đặt hàng để có thể hỗ trợ thêm. Chọn ra một số tác phẩm, một số đơn đặt hàng để đi đi lưu diễn các địa phương khi dịch bệnh được khống chế.
Bộ trưởng yêu cầu, từ năm 2022, Cục NTBD phải phải xây dựng cho được kế hoạch đưa các đơn vị nghệ thuật đi biểu diễn ở địa phương, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng vùng, miền khác nhau. Chuẩn bị đề án đề Lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương triển khai thực hiện việc đưa nghệ thuật về địa phương, về các điểm du lịch quốc gia theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ. Đồng thời cần có cơ chế ưu tiên cho sự phối hợp giữa các nhà hát, và cùng với đó là phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý và mô hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật để tạo điều kiện cho khối NTBD phát triển ngày một vững chắc./.