Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Luật Di sản văn hoá sửa đổi là cần thiết

19/06/2024 | 07:53

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, chiều 18/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tờ trình về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Luật Di sản văn hóa sửa đổi là cần thiết - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình

Sửa đổi Luật là cần thiết

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa và xây dựng pháp luật. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009.

"Luật Di sản văn hóa sửa đổi là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế" - Bộ trưởng cho biết.

Về quan điểm, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; Kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa.

Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với hệ thống pháp luật hiện hành. Cập nhật, nội luật hóa các quy định của quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hoá. Bám sát 03 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, từng bước đưa di sản văn hóa đóng góp cho sự phát triển kinh tế…

Về quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng chia sẻ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện một số công việc.

Cụ thể là tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) theo quy định của pháp luật; Ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật, tổ chức các phiên họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Cùng với đó là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Di sản văn hóa, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tổ chức xây dựng Dự án Luật; khảo sát, tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về các chính sách, nội dung của Dự án Luật; Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về Dự án Luật và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL theo quy định; Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định; Tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; Hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thảo luận, thông qua hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội theo quy định.

Tập trung 3 nhóm chính sách

Về nội dung cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP.

Đối với Chính sách 1: Bộ VHTTDL đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: (1) Bổ sung, hoàn thiện một số thuật ngữ liên quan để tạo cách hiểu thống nhất trong thực thi và áp dụng pháp luật; (2) Quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài; Đồng thời, quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa; (3) Bổ sung quy định xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia; (4) Quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: nhận diện, kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Đối với Chính sách 2: Bộ VHTTDL đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: (1) Quy định phân cấp, phân quyền đảm bảo các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; (2) Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa; (3) Quy định rõ về nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm để phân định rõ các nội dung hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. (4) Quy định về thanh tra, nội dung kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Đối với Chính sách 3: Bộ VHTTDL đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: (1) Quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể di sản văn hóa trong việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do cá nhân, cộng đồng sở hữu, đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan đối với nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư cho di sản văn hóa và đảm bảo cơ chế phù hợp để khuyến khích hợp tác trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; (2) Quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (3) Quy định về các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; (4) Quy định nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Nội vụ phối hợp để thống nhất quy định, tránh chồng chéo. Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban pháp luật) để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cho phù hợp.

Vì vậy, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định rõ (tại khoản 1 Điều 6) theo hướng, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, để bảo đảm bao quát hết được các lĩnh vực, đồng bộ với các Luật, trong đó có Luật Lưu trữ.

Tuy nhiên, về tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn đang chồng lấn, trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia trong Luật Di sản văn hóa hiện hành. Do đó, cần phải rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa hai (02) Luật trong hệ thống pháp luật.

Được biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều)./.

Thế Công - Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×