Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam
10/08/2022 | 16:48Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa, đưa ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Chiều 10/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Chất vấn và Trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.
Sẵn sàng đón lượng lớn khách du lịch quốc tế
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này và những đề xuất của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước, sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19, hầu như bị đóng băng hoàn toàn. Chỉ từ sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn, chúng ta cán đích về chỉ tiêu khách nội địa. Khách quốc tế đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên.
Trong bối cảnh khách quốc tế còn hạn chế, Việt Nam chọn du lịch nội địa làm bệ đỡ cho du lịch với nhiều chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, đặc biệt là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP HCM... Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có mức tăng trưởng đáng phấn khởi.
Tuy nhiên, về khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Bộ trưởng cho rằng doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường, tính toán được điểm đi và điểm đến. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với nhu cầu du khách sau đại dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các Bộ ngành liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần sự vào cuộc của các Bộ ngành. Hy vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng đã vượt xa một số nước như Philippines, Campuchia; thấp hơn Thái Lan, Malaysia. Điều đó cho thấy chúng ta nên bình tĩnh tìm kiếm thêm thị trường.
Theo Bộ trưởng, thị trường khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến 70% là thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên lại đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống Covid-19 của các nước này.
Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.
Đưa ra các sản phẩm phù hợp để khách du lịch quay trở lại
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn ĐBQH An Giang) phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm mình về vấn đề này? Biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trước đại dịch Covid-19 chúng ta chưa có điều kiện đo đếm, thông kê, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay trở lại Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam, con số chưa chính xác tuyệt đối.
Theo Bộ trưởng, việc có quay trở lại hay không của khách quốc tế không ảnh hưởng đến việc tăng thu hay không tăng thu cho ngành du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ. Có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để tìm hiểu và khám phá. "Sẽ có đối tượng này đối tượng khác bù đắp lại. Nhưng chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều khách quen, bạn hàng thân thiết quay lại Việt Nam nhiều hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Về cách làm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam không có lợi thế hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn, nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, phong cảnh, con người... từ đó chúng ta đưa ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách quốc tế./.