Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu trên tinh thần sẻ chia, xây dựng
10/08/2022 | 16:48Chiều 10/8, tại phiên họp thứ 14, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Ngành VHTTDL như "cỗ xe tam mã"
Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có bài phát biểu. Bộ trưởng khẳng định, Bộ ý thức đầy đủ rằng, đây là cơ hội để kiểm điểm, đánh giá lại ngành mình trước Quốc hội và cử tri cả nước. Đồng thời, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế khó khăn, báo cáo với Quốc hội để có sự chia sẻ, có nhiều giải pháp giúp ngành phát triển hơn.
Khái quát một số công việc của Bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ, Bộ cũng như nhiều Bộ, ngành, địa phương khác, bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn thách thức.
Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành Trung ương, của cử tri cả nước, Bộ VHTTDL đã nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của mình trên phương diện quản lý nhà nước ở cả 3 lĩnh vực.
"Nói một cách hình ảnh, VHTTDL như "cỗ xe tam mã", trong đó văn hóa với vai trò giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao thì sức khỏe con người là chủ thể để xây dựng kiến tạo bảo vệ Tổ quốc" - Bộ trưởng nói và cho biết thời gian qua, Bộ đã quyết tâm chỉ đạo toàn diện cả 3 lĩnh vực này với phương châm thực hiện xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là: "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến".
Mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần sẻ chia, xây dựng
Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra về văn hóa đã mang lại động lực mới cho toàn ngành, chính vì vậy trên lĩnh vực Văn hóa đã có sự chuyển biến về nhận thức, hành động.
Cán bộ văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chỉ đạo nhiều giải pháp để phát triển ngành Văn hóa. Đến thời điểm này, đã có 63 tỉnh, thành đã có chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành Nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa với tổng mức đầu tư vượt 2% ngân sách. Nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng mức đầu tư ngân sách lên 17% cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa được tập trung, chú trọng xây dựng. Từ đó có thể nói những hướng đi đúng, cách chọn việc phù hợp đã nhận được hưởng ứng cao.
Bộ trưởng chia sẻ, lĩnh vực thể thao thành tích cao và quần chúng được tiến hành một cách song song và bài bản. Thành công của SEA Games 31 trên nhiều phương diện đã mang lại hiệu ứng tốt để góp phần việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Du lịch đã có bước phục hồi, phát triển sau đại dịch, lượng khách nội địa tăng, khách quốc tế bắt đầu tìm đến nhiều địa phương. Chúng ta đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu số lượt du lịch nội địa, đang phấn đấu tổng lượng khách du lịch quốc tế. Nhưng nét mới hơn là cách tính toán đã chú ý nhiều đến chi tiêu của du khách chứ không thuần túy tính lượt khách, qua đó đã có sự tính toán cụ thể hơn về hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn này.
Cũng theo Bộ trưởng, có giá trị không đo đếm được qua hoạt động du lịch khi những sự kiện văn hóa đồng thời được tổ chức, tạo ra điểm đến về du lịch hấp dẫn như: Lễ hội tiếng hát Làng Sen, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, Liên hoan tiếng hát công nhân…
"Ở đó du khách đã được đến tham quan, thưởng ngoạn, mà trong chiều sâu đã tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, như lời bài hát Lời bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sỹ Trần Hoàn: "Muốn yêu tổ quốc mình hãy yêu thắm thiết những khúc hát dân ca". Như vậy, có thể nói đã mang lại hiệu ứng tích cực gắn văn hóa với du lịch, du lịch bắt đầu từ những sản phẩm văn hóa" - người đứng đầu ngành VHTTDL nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả có tính chất khái quát, Bộ trưởng cho biết, ngành VHTTDL đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Nhóm du lịch đang trăn trở để tăng được lượt khách quốc tế, đảm bảo tính bền vững khách nội địa, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, du lịch dựa trên những sản phẩm nào. Đây là bài toán của toàn ngành thời gian qua và Bộ cũng đã tăng cường công tác tham mưu để lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này.
Về Văn hóa, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực rộng, cần phải được tác động từ nhiều ngành nhiều cấp. Hiện nay còn có những biểu hiện xuống cấp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp. Có những việc không mới, được đặt ra từ trước, nhưng để tổ chức thực hiện đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần sẻ chia, xây dựng, qua đó để ngành VHTTDL hoàn thành trách nhiệm của mình trong thời gian tới.