Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cầu thị, tiếp thu mọi ý kiến để nỗ lực hoàn thiện dự thảo Chương trình MTQG về phát triển văn hoá
11/12/2023 | 08:56Thực hiện nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ VHTTDL đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá và con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 (Chương trình). Chương trình được đánh giá là một "đại công trình" về văn hóa, có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chương trình được triển khai trong giai đoạn 10 năm, đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần. Trong đó nhấn mạnh về các dự án xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế và cải thiện, nâng cấp một số thiết chế văn hoá.
Trong bài phát biểu bế mạc Phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ phải sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Tại các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhiều lần nhấn mạnh sự cấp thiết phải xây dựng Chương trình này. Mới đây, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về tiến độ xây dựng Chương trình cho đến thời điểm này.
- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, ngành Văn hóa nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước. Cụ thể hóa được quan điểm xem văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, hiện nay, Quốc hội đang giao Chính phủ sớm trình Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá và con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Đây được xem là một "đại công trình" về văn hóa với kỳ vọng tạo bước đột phá trong lĩnh vực văn hóa nói riêng và kinh tế xã hội đất nước nói chung. Bộ trưởng có thể chia sẻ về điều này?
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất quan tâm đến lĩnh vực Văn hóa, thể hiện văn hóa ngang với kinh tế, chính trị. Theo đó, trong hơn 2 năm qua, nhiều Hội nghị, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng về lĩnh vực Văn hóa đã được tổ chức, như Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho Văn hóa do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.
Cùng với đó là các Hội thảo khác nhằm làm rõ những nội hàm về giá trị và hệ giá trị văn hóa, gia đình, đã giúp cho Ngành Văn hóa thêm niềm tin, động lực mới để tập trung cho nhiệm vụ phát triển lĩnh vực Văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Về góc độ nguồn lực tài chính, tháng 7 năm 2004, Bộ Chính trị đã có Quyết nghị chi cho văn hóa đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực Văn hóa chỉ đạt 1,7% tổng chi ngân sách nhà nước.
Nhiều Hội nghị, Hội thảo quan trọng về lĩnh vực Văn hóa do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay
Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đặt ra mục tiêu chi cho Văn hóa đạt 2%. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có quyết nghị đầu tư 1.428 tỷ đồng cho 17 dự án trùng tu, tôn tạo di tích ở 17 địa phương, do UBND tỉnh làm chủ đầu tư.
Các địa phương cũng đã tăng dần mức chi cho lĩnh vực Văn hóa như Vĩnh Phúc đầu tư cho làng Văn hóa kiểu mẫu trên 2.600 tỷ đồng; Hà Nội dành 15.000 tỷ đồng chi cho lĩnh vực Văn hóa…
Để có giải pháp căn cơ, dài hạn hơn, sau khi tham mưu "đúng" và "trúng", được Trung ương đồng ý về mặt chủ trương tại Kết luận số 42, Quốc hội ban hành Nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần.
- Thưa Bộ trưởng, được đánh giá là một "đại công trình" về Văn hóa, chắc hẳn quá trình xây dựng Chương trình này rất dày công và cần một tầm nhìn dài hạn, tư duy tổng quát. Là cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng có thể chia sẻ về những mục tiêu cơ bản và tiến độ xây dựng Chương trình cho đến thời điểm này?
Thực hiện kết luận của BCH Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ Chính phủ giao trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố để xây dựng đề cương và hoàn thiện dự thảo Chương trình.
Trong đó Chương trình bám sát các quan điểm của Đảng, bám sát các bộ luật liên quan nhất là Luật Đầu tư công để tính toán lại nguồn lực. Từ đó để chúng ta tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, tìm các mục tiêu tổng quát nhưng phải hướng vào các mục tiêu cụ thể.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đến thời điểm này, dự thảo Chương trình đã được Hội đồng tư vấn thông qua và đang chờ Hội đồng cấp quốc gia quyết định. Sau đó, Bộ VHTTDL sẽ tập trung hoàn thiện để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội trong phiên họp gần nhất như kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Mặc dù đã có cố gắng và khu trú lại các nội dung nhưng chắc chắn Dự thảo chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, từ mục tiêu tổng quát, chúng tôi lựa chọn các mục tiêu có tính chất trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm thuộc các dự án thành phần để tập trung vào việc huy động các nguồn lực. Trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò là đầu tư công và dẫn dắt, nguồn lực xã hội được phát huy để đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong 10 năm tới.
Có một số nhóm chúng tôi cho là quan trọng và trước hết cần tập trung vào. Đó là việc phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp đúng với những phẩm chất đã được chỉ ra tại Hội thảo cấp quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và các giải pháp để tập trung xây dựng, hình thành cho được nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Gắn với đó là việc xây dựng môi trường văn hóa từ trong gia đình, cộng đồng dân cư đến môi trường công tác, môi trường làm việc để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong việc hình thành, phát huy được những phẩm chất, thành tố tốt đẹp mà con người Việt Nam đang hướng tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhóm thứ 2 mà chúng tôi hướng đến đó là phải tập trung nhiều hơn để chăm lo cho công tác đào tạo, không phải nghĩa rộng mà là đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để có được đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò lực lượng quan trọng trong xây dựng văn hóa.
Tiếp đến là những dự án thành phần về nâng cao hợp tác quốc tế, giao lưu, tiếp biến văn hóa khi Việt Nam mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Chúng ta không chỉ có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn văn hóa ngoại lai độc hại, làm ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam mà còn tiếp biến những tinh hoa của văn hóa nhân loại.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải quan tâm hơn nữa đến kiều bào Việt Nam đang sống ở nước ngoài vì họ chính là những sứ giả văn hóa mang văn hóa Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.
Một nhóm nữa chúng tôi cũng đề cập trong dự thảo Chương trình là cần phải xem xét, tính toán đến yếu tố văn hóa trong kinh tế mà chiều sâu là tập trung để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Trong lĩnh vực này cũng cần cố gắng định hình xem nhà nước sẽ đầu tư những gì.
Bên cạnh với đào tạo nhân tài cũng cần tạo dựng được một không gian sáng tạo để các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa mà chúng ta đang hướng tới.
Chúng ta cũng sẽ tận dụng lợi thế của những người đi sau trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để học thêm kinh nghiệm của bạn bè quốc tế và chọn ra một số lĩnh vực có thế mạnh để phát triển. Bên cạnh đó phải chú ý nhiều hơn nữa đến vấn đề phát huy các giá trị di sản văn hoá.
Bởi vì di sản văn hóa là báu vật của quốc gia, được thiên nhiên ban tặng, do cha ông xây dựng. Thế hệ con cháu hôm nay phải biết cách tôn tạo, giữ gìn và phát huy, biến nó thành tài sản, phát huy những giá trị đó để trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cùng với đó là phải đồng bộ về mặt thiết chế. Tất nhiên không phải cào bằng nhưng phải có được những thiết chế cấp quốc gia đúng tầm thời đại Hồ Chí Minh rồi đến các thiết chế theo nghị định của Chính phủ. Tiếp đến là các thiết chế ở các cấp huyện, trong các cộng đồng dân cư theo quy mô phù hợp và phương pháp quản lý để sử dụng một cách có hiệu quả, không lãng phí, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân…
- Với tầm quan trọng và ý nghĩa như vậy của Chương trình, phải chăng trong quá trình soạn thảo, Bộ VHTTDL đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nhiều phía thưa Bộ trưởng?
Việc xây dựng Chương trình này thể hiện tư duy đi trước, không phải cho nhiệm kỳ này mà tập trung cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Điều này cũng đã được tôi nhấn mạnh khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Chương trình, Bộ cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp và chúng tôi đã lắng nghe, tiếp thu trên tinh thần cầu thị để hoàn thiện dự thảo. Về tinh thần chung, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều rất ủng hộ sự cần thiết phải có Chương trình MTQG về chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, nguồn lực thực hiện Chương trình được căn cứ từ nguồn lực quốc gia để tính toán chứ không chỉ đơn thuần từ việc tổng hợp nhu cầu của các địa phương. Vì vậy, sau khi làm việc với các Bộ ngành liên quan, Bộ đã phân kỳ đầu tư Chương trình theo hai giai đoạn, từ 2025-2030 và 2030-2035.
Tôi tin rằng sắp tới, Chương trình sẽ được Quốc hội thông qua và đó sẽ là nguồn lực để chúng ta phát triển văn hoá, con người Việt Nam nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng thành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực Văn hóa.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác, khi Chương trình này được thông qua, ngay từ năm đầu tiên chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện thể chế để có thể triển khai được ngay.
Bên cạnh với việc hoàn thiện dự thảo Chương trình, Bộ VHTTDL cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát các bộ luật theo hướng không chỉ tăng cường công tác quản lý mà còn tạo điều kiện để kiến tạo phát triển. Như sửa đổi Luật Đầu tư, Hợp tác công tư, Luật thuế... nhằm tạo ra cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt và huy động nguồn lực xã hội để bổ sung cho nguồn lực về văn hóa, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh, "Nguồn lực phải bắt đầu từ cơ chế".
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!