Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Quyền tác giả, quyền liên quan cần đảm bảo khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo
13/10/2020 | 14:47Sáng 13/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả về việc xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, sau gần 15 năm thi hành, cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những vướng mắc thực tiễn đặt ra do sự phát triển của khoa học, công nghệ, số hóa và cách mạng công nghệ 4.0… đồng thời đáp ứng thực thi các cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) theo các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam ký kết, tham gia trong quá trình hội nhập quốc tế.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế, yêu cầu của thực tiễn thi hành; củng cố, tăng cường khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, từ đó hoàn thiện thể chế về Sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cao, quyền Sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 đã được Quốc hội thông qua, Quyết định số 999/QĐ-TTG ngày 11/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, sự phân công trong Ban soạn thảo, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Dự án Luật).
Thực hiện quyết định số 2401/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật. Cục Bản quyền tác giả đã chủ động phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, xây dựng nội dung dự thảo về quyền tác giả, quyền liên quan. Cho đến nay, Cục Bản quyền tác giả đã nhận được ý kiến góp ý bằng hình thức văn bản của 6 Cục, Vụ có liên quan và đã tiếp thu chỉnh lý Dự thảo.
Luật Sở hữu trí tuệ có 222 điều, trong đó có 45 điều quy định về QTG, QLQ và 15 điều quy định chung. Bám sát các chính sách có trong nội dung QTG, QLQ đã được Quốc hội thông qua đưa vào kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự thảo lần này đề xuất sửa đổi 20 điều và bổ sung 3 điều. Trong đó, tập trung giải quyết những vướng mắc do thực tiễn đặt ra như: Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về QTG, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền liên quan; Sửa đổi quy định về giới hạn ngoại lệ QTG, QLQ; về các trường hợp sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tại thư viện, sử dụng cho người khuyết tật…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sự chủ động của Cục Bản quyền tác giả trong việc xây dựng Dự thảo.
Bộ trưởng cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ là một trong những bộ luật quan trọng của đất nước. Việc thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cần được kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật được thể nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ, đảm bảo khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, bảo hộ QTG, QLQ theo tinh thần Hiến pháp 2013; Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, nhà sử dụng, công chúng thụ hưởng, thể hiện sự minh bạch, khả thi.
Cục Bản quyền tác giả cần tiếp tục rà soát, tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện Dự thảo, trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về Sở hữu trí tuệ nói chung, QTG, QLQ nói riêng. Đảm bảo tính nhất quán, dễ hiểu, bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo đảm sự tương thích giữa quy định pháp luật của Việt Nam với các điều ước quốc tế có nội dung về QTG, QLQ mà Việt Nam là thành viên và các FTA thế hệ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế./.