Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

14/04/2021 | 10:44

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, đưa tỉnh trở thành một điểm đến thêm hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của du khách.

Bình Thuận: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Nhiều triển vọng để phát triển

Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát triển du lịch. Trong đó đề cao vai trò của người dân bản địa tham gia kinh doanh, quảng bá hình ảnh điểm đến, cung cấp dịch vụ du lịch mang tính đặc trưng.

Cách thành phố Phan Thiết 28km, Hàm Thuận Nam là địa phương có thế mạnh rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Địa phương này không chỉ được biết đến bởi loại hình du lịch tâm linh núi Tà Cú với tượng Phật nằm dài 49m mà còn được biết đến là nơi có những bãi biển đẹp hoang sơ với bãi đá nhảy tự nhiên, nhiều hình thù độc đáo nơi đây thu hút rất nhiều du khách, nhất là những người thích khám phá. Đặc biệt, Hàm Thuận Nam là địa phương trồng nhiều thanh long nhất tỉnh. Đây cũng là tiền đề để địa phương phát triển loại hình du lịch nhà vườn, tham quan và trải nghiệm vườn thanh long.

Hiện nay, huyện Hàm Thuận Nam đang có mô hình tham quan du lịch vườn thanh long Phú Mỹ của ông Nguyễn Văn Chín (xã Hàm Mỹ). Đây là mô hình do Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp xã Hàm Mỹ xây dựng.

Ông Nguyễn Nguyên Vũ - Trưởng phòng Thông tin Hỗ trợ du khách, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết cho biết: Vườn thanh long thôn Phú Mỹ với hơn 80% dân cư canh tác và sản xuất thanh long được du khách đánh giá là một sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn và là tour khám phá, trải nghiệm đời sống của cư dân địa phương. Bên cạnh đó, do được chú trọng phát triển, vườn thanh long Phú Mỹ được đầu tư với bãi đỗ xe thuận tiện, hệ thống bảng hướng dẫn tham quan dễ nhìn thấy.

"Đến với mô hình tham quan vườn thanh long, du khách sẽ được trải nghiệm về cây thanh long, được hướng dẫn tham quan vườn thanh long với giai đoạn sinh trưởng khác nhau (cây nhỏ, ra hoa, trái xanh, trái chín, thu hoạch..), trải nghiệm công việc chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm từ thanh long, thưởng thức hương vị thanh long, nước ép thanh long, một số món ăn chế biến từ thanh long và chọn những trái thanh long tươi ngon làm quà cho người thân, bạn bè", ông Nguyễn Nguyên Vũ cho biết thêm.

Cũng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, điểm tham quan du lịch Sáu Trúc lại chọn hướng phát triển mô hình vườn trái cây (bưởi, dừa, mít, xoài), khác biệt với mô hình cây thanh long truyền thống - vốn được xem là cây nông nghiệp thế mạnh của địa phương.

Xuất phát từ ý tưởng tạo sân chơi cho bạn bè, người thân vào dịp cuối tuần, ông Nguyễn Thanh Trúc (chủ vườn) đã cải tạo mảnh vườn rộng 04 ha thành vườn cây ăn trái với đủ loại gồm: thanh long, bưởi, dừa, mít, xoài… Bạn bè, du khách tìm đến ngày càng đông, ông Trúc mới nảy sinh ý tưởng làm du lịch. Từ đó gia đình ông đầu tư thêm các dịch vụ câu cá giải trí, cải tạo hồ sen, tạo ra quần thể phong cảnh mang phong khách thôn quê để du khách chụp ảnh, thưởng thức.

"Lúc trước, tôi sống bằng nghề trồng thanh long. Sau đó, tôi bỏ thanh long để trồng bưởi và dừa mục đích là để giải trí rồi cho bạn bè đến tham quan và chơi thôi. Sau này, thì nảy lên ý tưởng du lịch, tôi mới thêm dịch vụ câu cá các thứ, mở rộng thêm cơ sở. Do vùng này ngoài thanh long ra không có cái cây gì khác, do đó tôi mới tạo thêm những cây mới để lạ hấp dẫn du khách, đến tham quan giải trí", ông Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, du khách đến nhiều và nhận được phản hồi khá tốt, nhất là khách đến từ các thành phố. Họ thích thú với cảnh vườn cây mát mẻ và các hoạt động câu cá, hái trái cây…

Hướng đến phát triển bền vững

Thực tế phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại các địa phương khác cho thấy, việc có sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong hoạt động du lịch sẽ tạo ra sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bình Thuận: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Đánh giá một cách khách quan, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Bình Thuận hiện còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư, quy hoạch một cách bài bản. Số lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng không nhiều. Mặt khác, nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch chưa đầy đủ, đặc biệt trong công tác quản lý, đầu tư, khai thác du lịch nông thôn, các hộ dân chưa trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về du lịch. Chính vì vậy còn xảy ra các hiện tượng như chất lượng phục vụ khách tại điểm du lịch cộng đồng chưa cao, rác thải ô nhiễm môi trường còn nhiều, hiện tượng bán hàng rong, đeo bám chèo kéo du khách…

Những thách thức và hạn chế trên đã làm cho các điểm du lịch cộng đồng chưa được nổi tiếng, chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, đồng thời chưa khai thác hết tài nguyên du lịch tại điểm đến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn phát triển theo hướng bền vững, UBND tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; tạo thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp hiểu rõ vị trí, vai trò của phát triển  du lịch. Tập trung tháo gỡ tồn tại, khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; tạo điều kiện để các mô hình du lịch này phát triển mạnh trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương; tuyên truyền vận động các hộ nông nghiệp trên địa bàn chuyển đổi mô hình kết hợp du lịch nông thôn để phục vụ phát triển du lịch đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế. Đào tạo, trang bị kỹ năng, kiến thức du lịch cộng đồng cho các hộ dân.

Đồng thời, UBND tỉnh sẽ định hướng phát triển các dự án du lịch nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch. Phát triển các dự án thành phần, trong đó ưu tiên các nguồn lực để triển khai các dự án thành phần của Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Dự án làng văn hóa du lịch và Dự án gắn với các chuỗi sản phẩm theo trục sản phẩm quốc gia (Thanh long, nước mắm); dịch vụ du lịch cộng đồng Chùa Cổ Thạch (Tuy Phong); dịch vụ du lịch cộng đồng và du lịch tham quan vườn thanh  long, núi Tà Cú.

Những dự án nêu trên sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn của Bình Thuận. Từ đó, đưa tỉnh trở thành một điểm đến thêm hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của du khách./.

Theo binhthuan.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×