Bình Định: Phát huy hiệu quả Ðề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
21/08/2021 | 08:34Ðể góp phần tiếp tục lan tỏa tình yêu với sách đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, những người hạn chế cơ hội được đọc sách, tỉnh Bình Định đã ban hành Ðề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt là đề án).
Tín hiệu vui
Sau gần 4 năm triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt là đề án) theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống các thư viện cấp cơ sở, đồn biên phòng, trại giam, thư viện trường học và hệ thống thư viện, tủ sách hội nông dân cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển rộng khắp.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thị xã, 18 thư viện xã và trên 60 phòng đọc sách ở cơ sở với gần 500 nghìn bản sách. Hằng năm, toàn hệ thống thư viện cộng đồng cấp gần 10.000 thẻ bạn đọc, phục vụ gần 500 nghìn lượt bạn đọc, với gần 1 triệu lượt sách phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, hầu hết các trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, phòng đọc sách; được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn. Thư viện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp từng bước được đầu tư, hiện đại hóa… Đến cuối năm 2020, hơn 40% người dân trong tỉnh có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời. Hơn 90% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. Đáng chú ý, chỉ sau một thời gian ngắn "gieo mầm", văn hóa đọc trong trại giam đã phát triển, tác động rất tích cực đối với các phạm nhân, qua đó nhiều người đã được cảm hóa.
Đến nay, Trại giam Kim Sơn (Bộ CA, đóng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) đã xây dựng được 2 tủ sách với hơn 1.200 đầu sách tập trung vào các chủ đề: Chính trị - xã hội, pháp luật, lịch sử - văn hóa, KHKT, văn học - nghệ thuật, tâm lý học, gương người tốt việc tốt... Hằng quý, đơn vị phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển, bổ sung các đầu sách mới (200 đầu sách/lần). Ngoài giờ lao động, cải tạo, phạm nhân đều có thể đến đọc sách và được cán bộ phân trại tạo điều kiện để đăng ký mượn sách về đọc tại buồng giam khi họ có nhu cầu.
Tiếp tục phát triển đề án
Ngày 16/8, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai đề án trên địa bàn tỉnh, với mong muốn nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; hình thành thói quen, sở thích, kỹ năng đọc nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.
Đề án đề ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. 20 - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 - 20% người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng. 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định. 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật…
Định hướng đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử).
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho rằng cần tập trung triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; đào tạo lại nguồn nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế.