Bình Định: Lan tỏa sâu rộng phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trong cộng đồng dân cư
15/11/2024 | 08:21Trong những năm qua, việc xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh cùng tham gia. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nếp sống văn hóa nơi công sở; các đơn vị thuộc lực lượng công an xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ; các đồn biên phòng gắn xây dựng nếp sống văn hoá với xây dựng điểm sáng văn hóa phòng. Tại các trường học, môi trường văn hóa lành mạnh được thể hiện rõ nét qua Cuộc vận động "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", phong cách giao tiếp ứng xử giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau. Ở khu dân cư, Ban vận động Phong trào thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ gìn cảnh quan môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa đã thực hiện có kết quả quy chế dân chủ ở cơ sở, gìn giữ và bảo tồn các nét đẹp truyền thống của địa phương, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tích cực tham gia bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn thông qua việc thỏa thuận thực hiện các bản hương ước, quy ước khu dân cư.
Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai sâu rộng, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, gắn với quá trình triển khai thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Việc cưới, việc tang hiện nay được tổ chức theo hướng tinh gọn và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đúng theo quy định của pháp luật. Nhiều hủ tục lạc hậu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được loại bỏ. Nhiều lễ hội dân gian hàng năm được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và đã thực sự trở thành ngày hội mang đậm sắc thái của từng địa phương, thu hút đông đảo sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và hội, đoàn thể tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân với phương châm "Sống làm theo Hiến pháp và Pháp luật", trách nhiệm chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được đề cao và thực hiện có hiệu quả.
Phong trào TDĐKXDĐSVH, trong đó xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa đã không ngừng chú trọng đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Nhiều làng nghề, nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy, phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Nhiều loại hình di sản văn hóa được bảo vệ, giữ gìn và khai thác sử dụng trong quá trình xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa. Các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian được cộng đồng khu dân cư thường xuyên tổ chức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân như: Hội thi "Dựng nêu đón tết", "Phiên chợ xuân", hội thi "Thuyền hoa trên sông Hà Thanh mở rộng", "Phiên chợ quê" vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài ra, các hoạt động như "Ngày hội các dân tộc miền núi" năm 2024; Liên hoan "Lân sư rồng", Liên hoan diều nghệ thuật năm 2024… được quan tâm tổ chức. Các hoạt động này là dịp để bà con giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận nhức, ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thốngcủa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng được nâng cao. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Chương trình mục tiêu Quốc gia về trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả; công tác xã hội hóa trong việc tôn tạo, tu bổ di tích được huy động ngày càng nhiều, từ đó nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Cùng với việc trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, việc nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội truyền thống ngày càng phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Hoạt động các lễ hội đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, phát huy tác dụng trong giáo dục tư tưởng, tình cảm và gắn kết cộng đồng.
Triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư giúp cho việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được thực hiện dễ dàng và phù hợp với thực tiễn đời sống. Ban Chỉ đạo Phong trào các huyện, thị xã, thành phố đang tiến hành hướng dẫn cơ sở từng bước thực hiện, đảm bảo đúng quy định.Kết quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thể hiện rõ ở các mặt: Ý thức của nhân dân trong việc chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng lên rõ rệt, an ninh chính trị được giữ vững, việc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc... đã đem lại hiệu quả thiết thực. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mối quan hệ giữa dân với Đảng, chính quyền, đoàn thể được củng cố và tăng cường thông qua việc thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện dân chủ gắn với phát triển dân trí và xây dựng kỷ cương pháp luật.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐVH nhìn chung đã làm cho bộ mặt nông thôn, thành thị có bước chuyển biến rõ rệt, kinh tế có bước phát triển khá, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng ổn định và phát triển, hộ nghèo ngày càng giảm dần; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực và hoạt động ngày càng có hiệu quả, đại đa số nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.