Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Biến củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật

15/02/2024 | 08:40

Những khúc củi mục trôi về cửa sông, dạt về các bãi cát được anh Lê Ngọc Thuận trao cho đời sống mới, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tái chế và kể những câu chuyện về văn hóa xứ Quảng.

Làng Củi Lũ (Driftwood Village - thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP. Hội An) hiện trở thành điểm đến của người yêu nghệ thuật thủ công. Tham quan không gian 1.200m2 trưng bày hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật tái chế, du khách càng hiểu Hội An thật sự là thành phố sáng tạo khi những người con của mảnh đất này luôn có tư duy phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.

Biến củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 1.

Làng Củi Lũ (Driftwood Village - thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Vòng đời của những thanh củi

Năm nào người dân Quảng Nam cũng phải chạy lũ. Mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 12, lượng nước trên sông Thu Bồn thường tăng cao đột ngột. Nước dâng mạnh tràn qua bờ, không những làm ngập làng mạc, ruộng đất và đô thị ven sông, mà còn cuốn theo củi mục về cửa sông, dạt về các bãi cát.

Anh Lê Ngọc Thuận sinh năm 1980 ở một vùng quê nghèo Hội An, bố mẹ làm công nhân, ông nội làm nghề đi biển. Từ nhỏ, Thuận đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần cảnh nước dâng trên con sông Thu Bồn dài hơn 200km, vốn bắt nguồn từ vùng núi Trường Sơn Nam. Những khúc củi vô tri bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi đã in vào trong tâm thức của Thuận, để rồi sau này khi khởi nghiệp với công việc tái chế và nhận thấy nguồn tài nguyên vô tận từ "rác củi", anh gọi đó là "kho báu trôi xuôi".

Ký ức của Thuận còn lưu giữ màu xanh trong của nước biển, màu trắng xóa của sóng, màu vàng ươm của nắng và cả màu sắc đã nhạt phai của những chiếc thuyền trên dòng sông Cổ Cò. Vì vậy, màu sắc là một trong những điểm nhấn đối với các tác phẩm củi lũ do anh tạo ra. Những mảng màu cũ kỹ, thậm chí giữ nguyên màu gỗ và những đường nét sẵn có của thớ gỗ làm nên đặc trưng cho không gian Làng Củi Lũ.

Biến củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 2.

Anh Lê Ngọc Thuận tươi cười kể về quá trình "biến" những xác củi vô tri từ thượng nguồn trôi về theo dòng lũ thành những tác phẩm nghệ thuật.

Với nụ cười hiền lành, Thuận kể, nhà nghèo nên con đường học hành của anh dở dang. Chật vật lắm mới học hết lớp 12, Thuận bắt đầu mưu sinh bằng nghề rửa bát thuê, rồi làm phụ bếp và đứng bếp chính. Từ năm 2012, Thuận vay mượn tiền của bạn bè để mở homestay và nhà hàng tại khu vực biển An Bàng (Hội An).

"Trong quá trình làm homestay và nhà hàng, tôi nghe mọi người nói về nghệ thuật tái chế. Lúc đó, tôi không có bất kỳ hình dung nào về tái chế hay điêu khắc. Thế là tôi mày mò tự học để tìm hướng đi mới và nghĩ đến những thanh củi lũ nằm lăn lóc thường bị bỏ đi hoặc được nhặt về làm chất đốt. Tôi muốn trao cho những đồ vật này đời sống mới, linh hồn mới", Thuận chia sẻ.

Thuận đã nhặt nhạnh củi, bóc tách, mang về ghép thành một bức tranh đầu tiên và đặt ngay không gian cửa chính của nhà hàng. Tác phẩm được khách nước ngoài hỏi mua với giá cao, anh dần thích thú việc tái sinh vòng đời khác cho củi và bắt đầu đi thu mua loại rác này.

Hai năm COVID-19 làm gián đoạn hoạt động du lịch cũng là quãng thời gian để Thuận chuẩn bị hình hài cho Làng Củi Lũ. Anh muốn phát triển du lịch cộng đồng dựa vào chính văn hóa bản địa, đưa văn hóa của vùng đất "Quảng Nam chưa mưa đà thấm" đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua "những thanh củi lũ biết nói". Làng Củi Lũ ra đời từ đó.

Biến củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 3.

Những khúc củi lũ đã được tái sinh, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tái chế cuốn hút.

Phát triển du lịch bền vững

Qua ý tưởng của Thuận cùng bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khác với các công đoạn đục đẽo, tỉa tót, tô sơn…, những thanh củi lũ được hồi sinh và kể cho du khách về những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá, về văn hóa Cơ Tu, văn hóa Chămpa, văn hóa của người Hội An… Mỗi thanh củi nguyên bản có hình dáng khác nhau. Vì vậy, mỗi tác phẩm của Thuận chỉ có một dạng bản, có khi là mấy chú cá bơi thành hàng; có khi là những con giáp; có khi là tượng người dân tộc Cơ Tu, hay mô hình khu phố cổ Hội An, di tích Chùa Cầu…

"Sau hành trình tồn tại, phát triển rồi bị dòng nước cuốn trôi, những thanh củi lũ đã mất đi hình dáng đẹp đẽ vốn có nhưng lại chuyển tải câu chuyện của những vùng đất mà chúng đi qua", Thuận lý giải.

Kể về củi lũ, Thuận luôn nói say sưa, như thể những gì đang hiện diện tại Làng Củi Lũ vẫn chưa chuyển tải hết ý niệm và ước mơ của anh.

Thuận chia sẻ về câu chuyện văn hóa trên dòng sông Thu Bồn, bắt đầu từ văn hóa Cơ Tu, xuôi dòng về Mỹ Sơn và Hội An. Thuận nói về tác phẩm con trâu mà anh tâm đắc - một hình ảnh chủ đạo trong các công trình kiến trúc của người Cơ Tu như nhà mồ, nhà rông… Với người Cơ Tu, con trâu được xem là tài sản quý, là sứ giả được con người gửi lên gặp gỡ thần linh trong các buổi lễ, là vật dâng cúng để người chết tiếp tục đời sống ấm no ở thế giới bên kia… "Có khách từ TP. Hồ Chí Minh đã trả hàng ngàn USD cho tác phẩm con trâu này vì yêu thích thần thái và ánh mắt của trâu", anh Thuận cho biết.

Biến củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 4.

Các tác phẩm từ củi lụt tái chế của anh Thuận được trưng bày tại Khu vườn Hội An tại Công viên nhân dân thành phố Wenigerode (CHLB Đức).

Trong những buổi trò chuyện với chúng tôi, anh Thuận bày tỏ mong muốn hồi sinh mộc Kim Bồng - làng mộc ở xã Cẩm Kim (TP. Hội An) có tuổi đời hơn 600 năm. Nhiều sản phẩm Kim Bồng nay đã lạc hậu, nhiều người trẻ rời nghề mộc. Thuận vào làng mộc, thuyết phục thanh niên quay lại cầm đục. Người nghệ nhân này muốn níu giữ họ bằng một con đường mới; bằng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa có tính đương đại, vừa có tính ứng dụng cao.

Thuận ấp ủ ý tưởng xây dựng một bảo tàng và một con đường nghệ thuật, có không gian cho khách tham quan và không gian tái chế, có không gian tương tác giữa du khách và nghệ nhân; qua đó gửi thông điệp về việc tôn trọng môi trường sống, tôn trọng thiên nhiên, từ đó giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về du lịch xanh - phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững.

Chị Jessica T. (quốc tịch Úc) bày tỏ cảm giác thích thú khi cùng con gái 13 tuổi trải nghiệm một buổi chạm khắc gỗ ở Làng Củi Lũ. "Chúng tôi đã chọn loại gỗ, chọn thiết kế, phác thảo hình ảnh bằng bút chì và bắt đầu chạm khắc, với sự hỗ trợ của những người thợ mộc lành nghề. Xưởng của các bạn thật tuyệt! Không gian của các bạn khiến tôi càng yêu thích sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Cảm ơn và hẹn gặp lại!", chị Jessica T. chia sẻ.

Du khách thích thú tham quan và trải nghiệm Làng Củi Lũ.

Anh Thuận biết hành trình của mình có thể là 5 năm, 10 năm, 50 năm, thậm chí đến đời con cháu. Theo trọn vẹn con đường này thật không dễ nếu không có sự bền bỉ và sáng tạo. Anh đã lên chiến lược dài hạn, vừa hình thành một làng nghề mới, vừa đào tạo nghề, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương và phát triển du lịch bền vững từ rác thải.

Sau những cuộc triển lãm trong nước, đến cuối tháng 8/2023, câu chuyện củi lũ của anh Thuận đã hiện diện tại Lễ hội Đèn lồng Hội An ở Wernigerode (Đức). Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xưởng của anh đã tạo hình, chạm đục và ra mắt bộ sưu tập linh vật rồng, mỗi sản phẩm rồng là độc bản. Cái tên Làng Củi Lũ hiện nay không còn xa lạ với du khách trong nước và nhiều bạn bè quốc tế nữa.

Thuận nói rằng, anh theo đuổi con đường nghệ thuật tái chế với niềm tin văn hóa luôn hiện hữu trong đời sống, biến rác thành nghệ thuật rồi mang ra nước ngoài để thế giới cảm và hiểu ngôn ngữ của củi lũ, cũng là hiểu về bề dày văn hóa của vùng đất Quảng Nam.

Sản phẩm tái chế và thành phố sáng tạo

Câu chuyện biến củi lũ thành sản phẩm nghệ thuật đã được UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đề cập trong hồ sơ Hội An tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

"Trong những năm dịch bệnh, Hội An có sản phẩm nào mới về tái chế, về xu hướng và về hội nhập? Làng Củi Lũ có cả ba yếu tố này. Việc Hội An được công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian vào cuối năm 2023 là động lực để những người thợ thủ công, nhà điêu khắc và những người sáng tạo có thêm niềm tin, cảm hứng sáng tác, góp phần phát triển du lịch của phố Hội", anh Lê Ngọc Thuận nói.

Đức Hoàng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×