Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bến Tre: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

27/12/2022 | 07:51

Triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (Đề án) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7953/KH-UBND tiếp tục triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh. Qua 2 năm thực hiện, công tác phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Bến Tre: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh 1.

Đọc sách tại sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4-2022).

Hiệu quả tích cực

Theo đánh giá chung của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua thực hiện Đề án, các đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, vai trò và tác dụng của việc đọc sách, báo. Giờ đây, việc đọc sách đã trở thành nhu cầu, thói quen của người dân để phát huy ý thức tự học, khả năng tự tìm tòi, sáng tạo, bổ sung kiến thức.

Công tác truyền thông về phát triển văn hóa đọc được đổi mới, hình thức đa dạng, chất lượng ngày càng nâng lên. Ngoài các hình thức tuyên truyền trực quan hoặc tuyên truyền qua báo, đài, còn tận dụng các kênh mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube thu hút sự chú ý, quan tâm của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người làm công tác thư viện được quan tâm, đảm bảo được đội ngũ kế thừa có đủ trình độ nghiệp vụ để phục vụ người dân, góp phần tích cực trong việc triển khai Đề án.

Hàng năm, hệ thống thư viện công cộng được bổ sung từ Chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp sách cho thư viện tỉnh và hệ thống thư viện cơ sở, phân bổ sách Chương trình mục tiêu quốc gia cho thư viện huyện, thành phố để triển khai phục vụ bạn đọc. Đối với thư viện tại các cơ sở giáo dục đảm bảo nhu cầu học tập và nghiên cứu của học sinh và giáo viên. Kết quả, trên 90% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. Trên 25% người dân ở khu vực nông thôn, trên 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.

Hàng năm, các ngành, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, góp phần nâng cao kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức. Kết quả, trên 40% người dân có kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời. 80% người sử dụng thư viện (90% học sinh, sinh viên) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.

Năm 2022, ngành thư viện tỉnh đã phục vụ trên 1,86 triệu lượt bạn đọc với trên 1,88 triệu lượt tài liệu (vượt chỉ tiêu đề ra là 250 ngàn lượt/năm).

Đầu tư cho hệ thống thư viện

Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện cũng đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Hiện tại, hệ thống thư viện công cộng có 9/9 thư viện ứng dụng máy tính vào công tác nhập liệu và biên mục. Đối với thư viện tại các cơ sở giáo dục, thư viện trường học, việc ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả hơn. Mỗi nhân viên thư viện đều được trang bị máy vi tính, thư viện được trang bị 1.223 máy vi tính nối mạng để truy cập thông tin (bình quân mỗi thư viện trường học có trên 3 máy). 308 thư viện được trang bị phần mềm thư viện, đạt tỷ lệ 88%. 65% thư viện ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả.

Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục duy trì việc không thu phí làm thẻ bạn đọc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân trên địa bàn tỉnh đến với thư viện. Bên cạnh đó, thư viện còn ứng dụng công nghệ thông tin vào việc làm thẻ bạn đọc bằng cách sử dụng Google Sheets, Google Form từ bộ ứng dụng Google qua điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn rất thuận tiện cho người dân có nhu cầu làm thẻ.

Thư viện Nguyễn Đình Chiểu có bố trí không gian yên tĩnh để bạn đọc đến đọc tại chỗ. Bên cạnh đó, thư viện còn phối hợp với các cơ sở kinh doanh nước giải khát trên địa bàn TP. Bến Tre xây dựng mô hình “Cà phê sách” (hiện tại đã thực hiện được 7 quán).

Trong 2 năm qua, tỉnh nói chung và Thư viện Nguyễn Đình Chiểu nói riêng đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, tài liệu sách, báo quý hiếm về danh nhân, văn hóa Bến Tre. Thư viện tỉnh đã tiếp nhận trên 2 ngàn tài liệu (sách các loại) từ các cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, thư viện tư nhân cũng được quan tâm, đầu tư đúng mức phục vụ nhu cầu giải trí, học tập và nghiên cứu của nhân dân trên địa bàn. Năm 2022, Thư viện tư nhân Đặng Huỳnh (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam) được đầu tư xây dựng mới (3,1 tỷ đồng), cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi, rộng rãi thoáng mát với diện tích 160m2. Trong năm 2021 - 2022, thư viện đã phục vụ trên 1.500 lượt bạn đọc, với 2.207 sách, 60 lượt báo/tạp chí, 510 lượt truy cập Internet, cấp mới trên 50 thẻ bạn đọc.

Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong thời gian tới, các cấp, ngành tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa đọc, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Thúc đẩy tuyên truyền ý nghĩa phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị gắn thực hiện phong trào xây dựng xã hội học tập với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới” và đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Theo Báo Đồng Khởi

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×