Bế mạc và trao giải Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021
29/11/2021 | 11:22Tối 28/11, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) tại Nhà hát Tháng Tám thành phố Cảng Hải Phòng đã khép lại thành công tốt đẹp sau 10 ngày thi diễn, sáng tạo, đua tài hào hứng và sôi nổi với lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc -2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức.
Tham dự Lễ Bế mạc có ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố Hải Phòng - Thành viên Ban chỉ đạo; PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan; bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo; Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng - đồng Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ Trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Hơn 1000 nghệ sỹ, diễn viên từ mọi miền đất nước đã hội tụ tại Nhà hát tháng Tám, Thành phố Hải Phòng và cùng nhau tỏa sáng tài năng nghệ thuật tại Liên hoan lần này. Mỗi Chương trình, tiết mục ca, múa, nhạc đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng đơn vị, từng loại hình nghệ thuật. Các đơn vị Ca Múa nhạc đã trình diễn trước Hội đồng nghệ thuật và khán giả những phong cách trình diễn đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của loại hình nghệ thuật mà các nghệ sỹ đang sống và làm việc. Đó là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra thành công của Liên hoan.
Theo Thứ trưởng: Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, căng thẳng vừa qua, để đến được tham dự Liên hoan lần này các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đã thể hiện một tinh thần "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến" theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và tôi tin tưởng rằng với truyền thống, tình yêu nghề các đơn vị nghệ thuật sẽ không ngừng phấn đấu trong lao động sáng taoi nghệ thuật, để góp phần xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.
Trong suốt quá trình diễn ra Liên hoan, 19 đơn vị nghệ thuật với hàng trăm tiết mục thuộc các thể loại ca múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ đến nhạc kịch, giao hưởng… cùng với các nghệ sĩ mang đầy sự đam mê nghệ thuật, cháy hết mình trên sân khấu để cống hiến cho khán giả những tinh hoa được chắt chiu trong cuộc sống đời thường. Dù biết rằng trước mắt các nghệ sĩ sẽ là chặng đường nghệ thuật và đời sống nhiều thử thách chông gai do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng qua những thể hiện trong Liên hoan lần này, có thể khẳng định rằng nghệ thuật Ca Múa Nhạc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, nắm bắt được cơ hội trong bối cảnh hiện nay để có những bước phát triển mới, góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, chia sẻ: Về các chương trình ca múa nhạc, qua công tác theo dõi và chấm điểm tại liên hoan, tôi nhận thấy có nhiều biến chuyển trong thời gian gần đây, bên cạnh những chương trình xuyên suốt là những những chương trình tạp kỹ. Các nghệ sĩ đã khai thác nhiều chất liệu dân gian để đem đến niềm tự hào về mảnh đất quê hương đồng thời thể hiện khát vọng, niềm đam mê với nghệ thuật.
Công tác chỉ đạo nghệ thuật và dàn dựng cũng có nhiều thay đổi. Từ những tiết mục đơn lẻ được kết nối theo từng chủ đề chương hồi, đến những chương trình tạp kỹ pha trộn nhiều loại hình cùng một lúc như: Kịch câm, Xiếc- Thể dục dụng cụ, ballet, dance, hip hop… đã tạo ra nhiều cơ hội cho việc dàn dựng các chương trình ngoài ra việc kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, phục trang, màn hình Led.. tạo ra hiệu ứng đặc biệt cho các chương trình đang được rất nhiều các đoàn nghệ thuật đặc biệt chú trọng sử dụng.
Tuy nhiên, qua liên hoan này cũng cho thấy công tác chỉ đạo và dàn dựng chương trình ở một số đơn vị còn bị buôn lỏng, bộc lộ sự hụt hẫng trong nhận thức, nhãn quan chỉ đạo nghệ thuật đạo diễn, dàn dựng. Việc kết nối giữa Ca- Múa - Nhạc chưa chặt chẽ, dẫn đến việc ca sỹ, nhạc công không kiểm soát được âm lượng, dẫn đến làm hỏng cả chương trình.
Khâu biên tập tác phẩm cho ca sỹ đôi khi chỉ chú ý đến kỹ thuật phô diễn giọng hát mà bỏ qua điều quan trọng là kỹ năng thể hiện, việc sưu tầm các chất liệu để đưa vào tác phẩm cần phải được chú trọng và đặt đúng chỗ, tránh hình thức. Các hòa tấu cần chú ý đến kết cấu sắc thái và phát huy kỹ năng sở trường của diễn viên, nhạc cụ làm cho rườm rà.
Về nghệ thuật múa gần 100 tiếp mục múa, múa đơn, múa đôi đã được đem đến liên hoan qua đó khẳng định những sự sáng tạo của các nhà biên đạo múa rất phong phú trong những năm qua. Tuy nhiên có một số tác phẩm được biên đạo dàn dựng thiếu sự đầu tư nghiêm túc, còn hời hợt, đây là những hạn chế mà các biên đạo cần phải rút kinh nghiệm để ngôn ngữ múa sẽ truyền tải được những thông điệp đẹp, có ý nghĩa đến công chúng và đóng góp vào thành công chung cho chương trình nghệ thuật.
BTC đã trao 06 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc và 04 Huy chương Đồng cho hạng mục Giải Chương trình.
Hạng mục Giải tiết mục có: 30 Huy chương Vàng; 56 Huy chương Bạc; 24 Huy chương Đồng.
BTC cũng trao 07 Giải xuất sắc cho thành phần sáng tạo./.