Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững
20/11/2021 | 10:17Vừa qua, tại Hải Phòng, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VH&TT Hải Phòng tổ chức Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2021 và Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững”. Chương trình được diễn ra dưới hình thức tập trung và trực tuyến. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, với mục tiêu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác, nhiều cuộc Tập huấn và Hội thảo thường niên đã được Bộ VHTTDL giao Cục Di sản văn hóa tổ chức với nội dung cụ thể, gắn liền với hoạt động chuyên môn, bám sát tình hình thực tế, đồng thời nâng cao nhận thức về sự cần thiết, phương thức tổ chức và phối hợp liên ngành, nhằm bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến kết quả hoạt động của ngành. Các bảo tàng, di tích đóng cửa không phục vụ khách tham quan theo quy định, nhiều cuộc trưng bày bảo tàng chuyên đề trong kế hoạch đã bị hoãn, hủy; các hoạt động dịch vụ, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích phải tạm dừng. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã hạn chế sự tiếp cận của bảo tàng, di tích đối với khách tham quan, số lượng khách tham quan giảm sút nghiêm trọng, nhiều bảo tàng, di tích tự chủ không có nguồn thu, nhiều đơn vị phải cắt giảm nguồn nhân lực, kế hoạch công tác. “Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, đội ngũ công chức, viên chức ngành Di sản văn hóa đã cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Thứ trưởng khẳng định .
Ngành đã hoàn thiện, tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 đề án: Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, giai đoạn 2021-2030; cho phép mở rộng Danh sách hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO trong thời gian tới.
Công tác phát triển sự nghiệp cũng đã thu được nhiều kết quả cụ thể. Đến nay, cả nước có 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 7 di sản tư liệu thế giới, 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 215 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3581 di tích quốc gia, 10755 di tích cấp tỉnh; 396 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 184 bảo tàng công lập và ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày gần 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành Di sản văn hóa đã đạt được trong năm qua, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương lưu ý một số nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong năm 2022. Cụ thể: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết TW Đảng khóa XIII và các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ VHTTDL liên quan đến ngành di sản văn hóa. Tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa trong năm 2022 để hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang đặt ra.
Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy đội ngũ công chức, viên chức trong ngành và của toàn xã hội về vị trí, vai trò và định hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tích cực nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đề nghị UNESCO ghi danh trong những năm tới.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khuyến khích các bảo tàng tiếp tục thực hiện đổi mới trưng bày, nghiên cứu xây dựng các hình thức giới thiệu sưu tập hiện vật trực tuyến, mở rộng kết nối của bảo tàng với công chúng, khuyến khích khách tham quan tham gia vào quá trình sáng tạo và hình thành các giá trị văn hóa mới, để bảo tàng thực sự phát huy được hiệu quả và có tầm ảnh hưởng trong xã hội.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, trong đó đặc biệt chú trọng việc tổ chức học tập, phát huy kinh nghiệm có được từ những công trình tu bổ di tích có chất lượng cao. Kịp thời chấn chỉnh và xử lý sai phạm trong tu bổ di tích, không để gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tiếp tục triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương; chú trọng việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nâng cao chất lượng trong những năm tới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Triển khai số hóa dữ liệu về di sản văn hóa. Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy nhanh tiến độ số hóa các di sản. Trao đổi thông tin, ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học - công nghệ hiện đại phục vụ công tác quản lý, hoạt động bảo tồn di tích và trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng, di tích. Tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa trên hình thức trực tuyến và hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường hoạt động giáo dục trải nghiệm. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác chuyển đổi số, số hóa thông tin tư liệu về hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, di tích làm cơ sở triển khai các hoạt động trưng bày, giới thiệu, giáo dục, truyền thông trên không gian số trong thời gian tới.
Tích cực và chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn kết với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Chương trình diễn ra trong 2 ngày, với nhiều nội dung thảo luận: Tầm nhìn và định hướng bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản thế giới ở Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh di sản tư liệu khu vực và thế giới của Việt Nam; Trao đổi những nội dung dự kiến đưa vào Kế hoạch xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung; Chuyển đổi số và hoạt động trưng bày, truyền thông, giáo dục di sản văn hóa tại bảo tàng; Báo cáo đánh giá việc thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa Việt Nam trên các hệ thống quản lý thông tin; Các yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh…