Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
10/07/2019 | 14:34UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định triển khai Kế hoạch Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa trống Chhay-dăm. Ảnh: Báo Tây Ninh
Theo Kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2020, đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng: Tổ chức Tuần lễ Văn hóa, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bảng, lần III – năm 2020; giới thiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tham gia trong các cuộc Hội chợ Triển lãm thương mại. Đưa nghề làm bánh tráng phơi sương vào trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch làng nghề thủ công truyền thống, quy hoạch du lịch. Quan tâm chú trọng việc truyền dạy và đầu tư phát triển Nghề làm bánh tráng phơi sương.
Đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa trống Chhay-dăm: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con dân tộc tổ chức sinh hoạt truyền thống, hỗ trợ kinh phí đào tạo truyền dạy múa Trống Chhay-dăm cho các thế hệ trẻ dân tộc khmer. Đưa múa trống Chhay- dăm phục vụ trong các hoạt động cộng đồng, lễ hội, Tết, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn từ tỉnh đến cơ sở và các điểm du lịch của tỉnh, gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa trống Chhay-dăm với phát triển du lịch nhằm quảng bá hình ảnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, tổ chức truyền dạy múa trống Chhay-dăm tại các trường học có học sinh dân tộc Khmer; mở lớp dạy múa trống tại các nhà văn hóa dân tộc, thiết chế Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã, phường, thị trấn – nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc: Nhân rộng kịch bản nguyên gốc về Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc, tuyên truyền, hướng dẫn, động viên và khuyến khích truyền dạy bài bản, kỹ năng cho các thế hệ nối tiếp. Ghi âm, ghi hình lại toàn bộ hình ảnh Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc, đóng tập các bài tế, xây chầu làm tư liệu cho các thế hệ sau tham khảo nghiên cứu.
Đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu: Nhân bản đĩa ghi hình ảnh Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu giới thiệu rộng rãi đến công chúng và khách thập phương. Quảng bá các giá trị lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu những giá trị tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương, vừa phát triển nhu cầu du lịch tâm linh, tham quan, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.
Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục giữ gìn, lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức của cộng đối với di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đồng thời thu hút, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh.
Các hoạt động triển khai thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; công tác triển khai thực hiện và kế hoạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.