Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

"Bảo vệ Di sản văn hóa trước những vấn đề mới"

02/11/2019 | 10:28

Đây là chủ đề của Hội thảo và bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ ngành Di sản văn hóa năm 2019 do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) từ ngày 31/10-3/11.

Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT của 63 tỉnh, thành trong cả nước; giám đốc các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam; Trưởng ban/Giám đốc Ban/ Trung tâm quản lý di tích, khu di sản thế giới; đại diện các Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh,…

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về di sản văn hóa trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp triển khai công tác này tốt hơn trong thời gian tới. Các đại biểu cũng được cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 105 di tích quốc gia đặc biệt; 3.494 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 301 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia; 164 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với tổng số 167 bảo tàng (125 bảo tàng công lập và 42 bảo tàng ngoài công lập).

Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn nhiều, một số trường hợp đã được dư luận, báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội. Trên thực tế nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng, năng lực quản lý và chuyên môn còn nhiều hạn chế; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới nhiều sai phạm vẫn còn tiếp diễn; phần lớn các bảo tàng chậm đổi mới cả về nội dung trưng bày, hình thức hoạt động nên thiếu tính hấp dẫn và chưa gắn kết được với hoạt động du lịch; nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu cấp thiết của việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Trong quá trình đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, việc gìn giữ và phát huy các giá trị kho tàng di sản văn hóa của đất nước ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết, cần được đặc biệt quan tâm giải quyết, đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với ngành Di sản văn hóa. Việc tổ chức Hội thảo và bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ ngành Di sản văn hóa năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về di sản văn hóa trong thời gian qua; nâng cao nhận thức và cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cho cán bộ ngành…

Trong những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như hành lang pháp lý về di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện. Cục Di sản văn hóa và các Cục, vụ chức năng của Bộ VHTTDL đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Năm 2020, Ngành Di sản văn hóa tiếp tục nghiên cứu tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào dự án bảo tồn di sản văn hóa. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa thông qua việc đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về di sản văn hóa và việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; chấn chỉnh và xử lý kịp thời việc tu bổ di tích không đảm bảo chất lượng, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Tập trung triển khai tổng kết thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, tạo điều kiện để các bảo tàng tiếp tục đổi mới trưng bày, nghiên cứu xây dựng các chương trình giáo dục, trải nghiệm có sức hút đối với khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Đẩy mạnh công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện việc tôn vinh và giải quyết chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Ngành Di sản văn hóa…

Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×