Bảo vệ di sản, thiết chế văn hóa trước thiên tai
02/10/2021 | 07:43Hệ thống quần thể di sản Huế với đa phần là công trình kiến trúc bằng gỗ và vật liệu truyền thống nên rất dễ bị hư hại bởi tác động của thiên tai. Đảm bảo an toàn cho di sản trong mùa mưa bão luôn là vấn đề được các đơn vị quản lý và chuyên môn tại Huế quan tâm, lưu ý; đặc biệt là đối với nhiều công trình di tích đang bị xuống cấp, chưa có điều kiện để tu bổ, bảo tồn…
Đảm bảo an toàn cho di sản Huế
Trong đợt thiên tai và mưa lũ kéo dài của năm 2020 vừa qua, nhiều công trình thuộc hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị ảnh hưởng, chủ yếu là tác động đến hệ thống mái các công trình. Hiện tượng tốc mái cục bộ gây thấm dột, ẩm mốc ngày càng cao. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) đã kịp thời khắc phục ngay sau đó và đã lên kế hoạch tu sửa để đảm bảo an toàn về lâu dài. Các chuyên gia cảnh báo, mùa mưa năm 2021 vẫn sẽ diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn và kéo dài. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống di sản, đơn vị quản lý di tích đã sớm triển khai nhiều kế hoạch ứng phó ngay từ đầu tháng 8.2021.
Trước cơn bão số 5, cán bộ nhân viên của Phòng Quản lý bảo vệ thuộc TTBTDTCĐ Huế đã chia thành nhiều tổ, thực hiện công tác giằng chống các công trình di tích ngoài trời, di tích có độ cao dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão như: Di tích Thế Miếu, Hiển Lâm Các (Đại nội Huế), nhà Bát giác ở hồ Tịnh Tâm, Quan Tượng Đài, Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu ở mặt Nam của Kinh thành Huế, các công trình di tích ở các lăng Đồng Khánh, Thiệu Trị, Dục Đức…
Ông Trương Công Sơn, Chánh văn phòng TTBTDTCĐ Huế thông tin: Trong danh mục 25 công trình cần tu sửa cấp thiết năm 2021, TTBTDTCĐ Huế đã phân loại theo mức độ có nguy cơ sụp đổ, xuống cấp để có hướng bảo vệ kịp thời; đồng thời căn cứ vào nguồn kinh phí được bố trí của đơn vị để lập kế hoạch và phương án chống đỡ cấp thiết cho từng công trình. Cụ thể, các công trình nguy cấp thì lắp đặt hệ giằng chống bão và chống đỡ hệ khung chịu lực; các công trình thuộc danh mục sẽ triển khai trùng tu trong giai đoạn tới, trong lúc chờ lập dự án thì vẫn ưu tiên chống đỡ hệ khung và bao che chống dột, chống xuống cấp… Có thể kể đến di tích đã và đang được giằng chống thời gian qua để chờ trùng tu, điển hình như di tích Điện Thái Hòa (Đại nội Huế).
Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, hiện nay có 9 công trình di tích đang thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn (3 dự án vừa khởi công và 6 dự án chuyển tiếp từ các năm trước đó). Trong đó có nhiều dự án lớn như: Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích điện Kiến Trung tại khu vực Hoàng thành Huế; Tu bổ di tích Đàn Nam Giao; Lăng Thiệu Trị; Lăng Minh Mạng; Lăng Dục Đức…
Nhằm đảm bảo an toàn cho di tích và công tác tu bổ di sản, Trung tâm đã yêu cầu và liên tục giám sát, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện những biện pháp bảo vệ công trình trong thời tiết mưa bão. “Việc đảm bảo an toàn cho các công trình hiện nay được triển khai theo đúng quy định về công tác thi công và công tác phòng, chống dịch. Các công trình đang thi công đảm bảo an toàn về lao động và vệ sinh môi trường. Trong trường hợp có thiên tai, bão lụt thì chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án yêu cầu các đơn vị thi công chủ động đảm bảo công tác phòng, chống bão lụt tùy theo tính chất và phạm vi của từng công trình, không để ảnh hưởng đến khu vực di tích xung quanh công trình”, đại diện lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế nhấn mạnh.
Phòng chống thiên tai tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Không chỉ quần thể di sản Huế, công tác đảm bảo an toàn di sản thế giới tại Mỹ Sơn (Quảng Nam) cũng được chuẩn bị cẩn trọng từ đầu mùa mưa bão. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL) thông tin: Mùa mưa bão, lũ lụt diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm, và tại khu vực này thường hay xảy ra lũ quét, lốc xoáy, sạt lở núi, cây ngã đổ, hư hỏng đường và mất hệ thống thông tin liên lạc, điện thắp sáng, gây ngập cục bộ tại di tích… Đặc biệt, lượng du khách cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, đây là thời điểm mưa bão diễn ra mạnh, tuyến đường từ cầu Khe Thẻ đến khu vực di tích bị ngập cục bộ, lũ quét thường xuyên xảy ra, sạt lở taluy dương ven đường từ cầu Khe Thẻ đến bãi xe Nhà Đôi đe dọa đến tính mạng người lưu thông trên đường. Do đó, việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn BQL là rất cần thiết nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn.
Hiện tại đơn vị đã tiến hành khảo sát cắt hạ độ cao cây cối có nguy cơ ngã đổ gây ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa, cây trồng ven đường giao thông. Đặc biệt là cây có nguy cơ ngã đổ đến các công trình đền tháp. Triển khai công tác vật tư, hậu cần tại chỗ; kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư có thể trưng dụng để ứng phó với bão lũ, ngập lụt; chuẩn bị vật tư dùng để chằng chống và xử lý sự cố các công trình, đặc biệt là các công trình kiến trúc đền tháp, công trình giao thông…
Bên cạnh phương án ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, BQL cũng xây dựng phương án ứng phó với lũ. Trong đó lưu ý, khi có lũ, bố trí lực lượng chốt chặn, chủ động cấm người và phương tiện tham gia giao thông qua các khu vực nguy hiểm như các tuyến đường, cầu, cống, ngầm… bị ngập sâu hoặc mất an toàn do mưa, lũ gây ra; các khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy lớn như: Taluy dương từ cầu Khe Thẻ đến Nhà Đôi, cầu Bốn Tri, cầu Bốn Hồng, cầu Nhà Đôi đi khu K…
“Lực lượng thường trực về phòng, chống thiên tai của BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn có 38 người, gồm phòng an ninh - bảo vệ, lực lượng tự vệ và đoàn thanh niên. BQL cắt cử lực lượng trực 24/24h, thành lập các đội cứu nạn, cứu hộ và chuẩn bị phương tiện, vật tư đầy đủ, sẵn sàng khi có thiên tai, bão lũ”, ông Phan Hộ cho biết.