Bảo vệ di sản thiên nhiên trước nguy cơ biến mất
13/10/2023 | 10:29Thời gian gần đây, việc tìm phương án để một số di sản thiên nhiên như hòn Vọng Phu (Thanh Hóa), hòn Trống Mái (Quảng Ninh)… không bị đổ sập được giới chuyên môn hết sức quan tâm. Tuy nhiên, để có giải pháp tình thế cho phù hợp và phương án lâu dài vẫn đang là vấn đề rất lớn.
Di sản thiên nhiên lâm nguy
Di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi thuộc phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một cột đá cao khoảng 20 m, giống hình người phụ nữ ôm con. Di tích này được xem là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Cụm di tích này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1992 gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và Hòn Vọng Phu. Đêm 15/6/2022, sét đã đánh trúng Hòn vọng phu, gây sạt lở khối đá kích thước 1 x 3 m phía tây và khối đá kích thước 2,5 x 3 m phía đông hòn Vọng Phu. Sự cố khiến hòn Vọng Phu trong tình trạng rất nguy cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.
Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đánh giá, di tích thắng cảnh Hòn vọng phu có giá trị về mặt lịch sử và cảnh quan. Nhưng sau sự cố sét đánh, Hòn vọng phu đã bị tróc vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt và đang có độ nghiêng theo phương thẳng đứng (từ 10 - 15 độ) và có nguy cơ đổ sập nếu tiếp tục bị sét đánh.
Ông Thành cho rằng, trước mắt UBND TP Thanh Hóa cần lập biển báo khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân và khách tham quan. Phân vùng, sử dụng các giải pháp như lưới thép, hàng rào... đảm bảo an toàn và thẩm mỹ hạn chế tác động của hiện tượng đá lăn, đá đổ quanh khu vực Núi Nhồi.
Còn tại Quảng Ninh, hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long nằm ngay ở vị trí trung tâm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là biểu tượng du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Mặc dù hết sức có giá trị nhưng đang đối mặt với nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Thời gian qua đã xảy ra một số vụ sạt lở núi đá giữa vịnh Hạ Long, trong đó có: sạt lở hòn 649 năm 2013, sạt lở hòn Thiên Nga năm 2016, sạt lở hòn Bề Hẹn Đông năm 2019, sạt lở hòn 365 năm 2020... Hiện tượng này đã xảy ra rất nhiều trong quá khứ hàng triệu năm qua, đang diễn ra và sẽ còn diễn ra trong tương lai.
Một số chuyên gia địa chất nghiên cứu về tác động đối với hòn Trống Mái cho rằng, bằng mắt thường có thể nhìn thấy sự chông chênh của hòn Trống Mái vào thời điểm triều xuống đến mức thấp nhất. Khi mực nước thấp đã làm lộ ra phần chân đỡ hai đảo đang bị xói mòn dần, gây nguy cơ đổ sập nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố.
Hay như cách đây 17 năm (năm 2006), hòn Phụ Tử của tỉnh Kiên Giang đã bị đổ sập một phần và chìm xuống biển. Trước đó, những câu chuyện dân gian về hòn Phụ Tử là hình tượng của hai cha con nơi xóm chài quấn quýt nhau, cùng trông ra biển cả... cũng chiếm được nhiều tình cảm của du khách. Sau sự cố hòn Phụ Tử đổ gãy, Kiên Giang phối hợp Cục Di sản văn hóa tổ chức hội thảo bàn phương án phục dựng hòn Phụ Tử. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể phục dựng.
Kết hợp giải pháp phi công trình và công trình để cứu di sản
Câu chuyện bảo tồn các “biểu tượng” được sản sinh từ thiên nhiên như hòn Trống Mái, hòn Vọng Phu hay hòn Phụ Tử… đã được các nhà chuyên môn đặt ra từ lâu, không phải bây giờ mới bàn đến. Nhưng qua thời gian, những biểu tượng kỳ vĩ của thiên nhiên vẫn đang hàng ngày phải đối diện với những tác động trước nguy cơ biến mất trong sự lo ngại. Đã đến lúc giới chuyên môn và những người làm công tác quản lý cần có biện pháp trước mắt và lâu dài để không còn rơi vào tình trạng thụ động “mất rồi mới nghĩ đến khôi phục”.
Mới đây, tại hội thảo đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh hòn Vọng Phu, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa tán thành với ý kiến, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chủ trì phối hợp lập dự án bảo tồn cấp thiết hòn Vọng Phu, chống sét đánh vào di tích. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa xây dựng dự án tổng thể bảo tồn, phát huy Cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng núi An Hoạch. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng.
PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, là một trong những chuyên gia có thâm niên làm các hồ sơ Di sản thế giới và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho biết, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sập đổ của các di sản thiên nhiên là hiện tượng tự nhiên nhưng cũng không loại trừ những tác động nhân sinh (tác động con người) nhưng tác động đó chưa rõ rệt. Điển hình như hòn Trống Mái của Vịnh Hạ Long, vấn đề khai thác du lịch, đưa tàu bè đến gần để tham quan du lịch với tần suất dày đã vô hình chung tạo ra sóng. Đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm ảnh hưởng đến di sản. Nhưng quá trình ăn mòn, đổ sập là một quá trình rất dài. Trong thời buổi hiện nay, biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt. Những biểu hiện cụ thể như thiên tai ngày càng mạnh về mặt cường độ, thất thường về mặt tần suất… những yếu tố đó làm trầm trọng thêm, đẩy nhanh quá trình sập đổ của các di sản thiên nhiên.
Theo ông Văn, để cứu các di sản thiên nhiên, đầu tiên là thực hiện các giải pháp phi công trình như tuyên truyền, quảng bá giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Cùng với đó, đề ra những quy định (tạo hành lang bảo vệ). Sau đó cân nhắc đến một số giải pháp công trình (trực tiếp tác động) vào di sản đó để có thể kéo dài tuổi thọ.