Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Ninh
20/12/2022 | 07:41Thời gian qua, ngành văn hóa và các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Ninh.
Với sự cố gắng cao, những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ninh đã đạt được một số thành tựu nhất định về nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số. Về văn hóa vật thể, chúng ta đã nghiên cứu để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh, khu vực sinh thái đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, như: Di tích đình Lục Nà ở Bình Liêu, di tích địa điểm chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 ở Tiên Yên, di tích lịch sử cách mạng Khe Lao ở Ba Chẽ v.v.. Chúng ta cũng đã quan tâm nghiên cứu bảo tồn các bản làng truyền thống, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục dân tộc truyền thống các dân tộc Dao, Tày, Sán Chay, Sán Dìu v.v..
Đối với văn hóa phi vật thể, Quảng Ninh đã tiếp tục triển khai và được sự quan tâm đúng mức công tác khảo cứu, sưu tầm bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian, văn nghệ dân gian, các trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, tri thức dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tỉnh cũng có chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng Dao, bộ tài liệu dạy tiếng Dao. Mặc dù còn khiêm tốn so với văn hóa đồ sộ của các dân tộc thiểu số nhưng đó là nền tảng vững chắc để tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn vốn văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc Quảng Ninh.
Trong những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh đã tham gia đề xuất bảo tồn văn hóa người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; bảo tồn đàn tính và hát then của người Tày huyện Bình Liêu; đề xuất xây dựng làng văn hóa người Dao dưới chân Yên Tử; xuất bản công trình "Người Dao Quảng Ninh" để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc; đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 13 người dân tộc Dao, 6 người dân tộc Tày, 5 người dân tộc Sán Dìu, 4 người dân tộc Cao Lan; xây dựng 5 CLB văn hóa dân gian dân tộc Dao ở Quảng Ninh.
Một số địa phương đã và đang triển khai xây dựng những thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Tiêu biểu như: Mô hình bản Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long), bản văn hóa dân tộc Tày xã Lục Hồn, bản văn hóa của người Sán Chỉ xã Húc Động (huyện Bình Liêu)...
Những cán bộ, hội viên làm công tác sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân gian đã và đang rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Thạc sĩ Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, là người có nhiều bài nghiên cứu trong các hội nghị, kỷ yếu, thông báo khoa học, hội nghị văn hóa học hàng năm. Đó là những kết quả nghiên cứu các đề tài văn hóa đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu nơi anh đang sinh sống. Những bài báo, những cuốn sách in chung của anh ra đời là kết quả của sự tìm tòi, sắp xếp lại những gì anh quan sát và trải nghiệm trên chính quê hương anh.
Thạc sĩ Tô Đình Hiệu cho biết: Những gì tôi biết và đã viết ra là rất khiêm tốn so với vốn văn hóa đồ sộ mà đồng bào các dân tộc Bình Liêu đang nắm giữ. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài nghiên cứu văn hóa dân tộc. Bởi vì khi ngụp lặn trong đó, tôi thấy trân quý hơn từng con người, từng lời ăn tiếng nói, nét sinh hoạt hàng ngày của những người đang chung sống trên địa bàn quê hương Bình Liêu giàu bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên, công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Bởi lẽ, hoạt động sưu tầm, khảo cứu diễn ra trên một địa bàn phần lớn là ở vùng khó khăn, biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa, người dân có đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp. Mấy năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng gây ảnh hưởng nhất định tới công tác này...