Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn văn hóa các dân tộc

11/11/2021 | 08:49

Mỗi dân tộc ở Quảng Ngãi đều có vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn Quảng Ngãi, các cấp, ngành, địa phương cùng người dân vùng cao đang nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc mình, để không bị mai một.

Bảo tồn văn hóa các dân tộc - Ảnh 1.

Các nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê biểu diễn các làn điệu dân ca qua nhạc cụ truyền thống.

Thực hiện Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Hrê, người có uy tín, các già làng, trưởng thôn, nghệ nhân ở huyện Ba Tơ đã tích cực tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, dân ca, trang phục, trang sức, nhà sàn, làng nghề truyền thống...

Nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Kít, ở Làng Xua, xã Ba Lế (Ba Tơ), đã cất công truyền dạy cho lớp trẻ ở địa phương các làn điệu dân gian như ka choi, ta lêu, hát ru, kể Hmon. Ngoài ra, ông còn nỗ lực tìm kiếm, giữ gìn nhiều nhạc cụ quý giá như đàn môi, ta lía... Ông Kít cho biết, dù âm nhạc hiện đại đang xâm nhập giới trẻ, nhưng vẫn còn nhiều thanh niên ham học hỏi và nỗ lực gìn giữ nét văn hoá của dân tộc mình. Nhạc cụ và dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào Hrê.

Giống như ông Kít, các nghệ nhân nhân dân Phạm Văn Ước, Phạm Văn Sự và nhiều nghệ nhân khác am hiểu về trình diễn nghệ thuật dân gian đã dành tâm huyết trao truyền loại hình nghệ thuật này cho thanh niên huyện Ba Tơ. Họ cũng là hạt nhân trong gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi này.

Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh, việc tổ chức huy động nguồn lực xã hội hoá để bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc Hrê còn nhiều hạn chế và phần lớn vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của người Hrê chưa có sách ghi chép mà chủ yếu là truyền miệng. Do đó, thời gian đến, huyện Ba Tơ tăng cường việc lưu giữ, trao truyền những nét đẹp của văn hóa truyền thống cho lớp trẻ.

Tại huyện Sơn Tây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Ca Dong luôn được chú trọng. Huyện đã chọn một số làng điển hình để bảo tồn mô hình nhà sàn truyền thống; đồng thời sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho thanh niên các làn điệu dân ca của đồng bào Ca Dong như hát xà ru, ka lêu, ta choi, a giới, ra nghế, kể Hmon... Đây là các làn điệu tiêu biểu, luôn được thực hành trong cộng đồng vào dịp Tết, lễ hội và dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa văn nghệ.

Ngoài ra, huyện Sơn Tây còn chú trọng bảo tồn các nhạc cụ truyền thống như đàn Brook, Brau, Brook Tru, ra ngói, đặc biệt là cồng chiêng. Đến nay, huyện có hơn 120 bộ chiêng Kần, 166 bộ chiêng Lênh, 40 đàn Brook, Brau, Brook Tru, đàn Ra Ngói... được bảo tồn tại các hộ gia đình. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm nhấn mạnh, để bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn nữa văn hóa truyền thống, huyện Sơn Tây đang xây dựng Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào Ca Dong, giai đoạn 2021 - 2025.

Mới đây, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. "Việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Huyện Trà Bồng tập trung thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, huyện cơ bản thoát nghèo và trước năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo", Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo chia sẻ.

Bên cạnh nỗ lực của các địa phương, hiện công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, khó khăn. Trong đó, nhà sàn truyền thống và việc sử dụng trang phục truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ít dần. Sinh hoạt văn hóa với dân ca, dân vũ, dân nhạc ngày càng mai một. Một số nhạc cụ như đàn nước, đàn gió... chưa được khôi phục. Các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của vùng cao còn thiếu thốn, lạc hậu...

Theo thống kê của Sở VHTTDL, các huyện miền núi của Quảng Ngãi hiện có hơn 333 nghệ nhân đang gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, 13 loại hình di sản được kiểm kê, 131 lễ hội truyền thống, 96 nghề thủ công, 131 ngữ văn dân gian, 159 nghệ thuật trình diễn dân gian, 160 tri thức dân gian về tập quán xã hội, 117 tri thức dân gian về tiếng nói, chữ viết, 128 tri thức dân gian về y học cổ truyền. Ngoài ra, còn có hàng trăm tri thức dân gian về trang phục, thiên nhiên, ẩm thực... cần bảo tồn.

Theo Báo Quảng Ngãi

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×