Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Điện Biên

21/07/2021 | 15:29

Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng về các loại hình di sản văn hóa. Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, Điện Biên đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá…

Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Điện Biên - Ảnh 1.

Người dân huyện Điện Biên tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Ảnh tư liệu

Điện Biên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đặc biệt là có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống và di tích lịch sử, văn hóa. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực cùng các cấp, các ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy giá trị di sản, tạo thành lợi thế để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có 67 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và 27 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng. Tỉnh ta cũng đã thực hiện khoanh vùng, cắm 45 mốc các khu vực bảo vệ di tích lịch sử văn hóa tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên); cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; triển khai dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương. Việc trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu hiện vật gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương được phối hợp triển khai thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật cho Bảo tàng và các điểm di tích được quan tâm thực hiện nhờ đó đến nay tổng số hiện vật đang được lưu giữ, quản lý lên tới 12.403 hiện vật.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Song song với công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số tỉnh triển khai xây dựng Hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Xòe Thái”. Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm triển khai. Tổng kiểm kê nhằm nhận diện thực trạng di sản văn hóa phi vật thể của 18 dân tộc (trong đó dân tộc Mông đã tiến hành kiểm kê ngành Mông xanh và Mông đen). Chủ động triển khai lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay toàn tỉnh có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào Pề Chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pong, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng); Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay (TX. Mường Lay); Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên); Tết Té Nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên); Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông (huyện Mường Chà); Lễ cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì tỉnh Điện Biên; Tết Hoa (Mền loóng phạt ái) của người Cống tỉnh Điện Biên; nghề làm giầy thêu của người Hoa (Xạ Phang)…

Cùng với đó công tác sưu tầm, bảo tồn và dịch thuật, in ấn tài liệu chữ viết cổ được quan tâm thực hiện. Đến nay đã sưu tầm được hơn 200 cuốn sách (tài liệu) cổ của một số dân tộc (Thái, Dao, Lự) đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số (tiếng Thái và tiếng Mông) đang được triển khai thực hiện hiệu quả khi trong 10 năm qua (2010 - 2020) đã có gần 49.300 học sinh tiểu học, THCS học tiếng Thái; hơn 57.100 học sinh tiểu học, THCS học tiếng Mông. Việc giáo dục tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh thông qua các chương trình chính khóa, ngoại khóa, các hoạt động tập thể được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Và đặc biệt là việc triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên, trong đó có dân tộc Cống và dân tộc Si La đã được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư nguồn lực. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống, Si La trên địa bàn tỉnh cơ bản được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; đa số đồng bào được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn. Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định, việc triển khai thực hiện đề án này đã góp phần quan trọng giúp dân tộc Si La được hỗ trợ khôi phục trang phục truyền thống, thành lập và duy trì đội văn nghệ bản; tổ chức lễ cúng cơm mới… Dân tộc Cống được hỗ trợ khôi phục sản xuất trang phục truyền thống, nhạc cụ truyền thống; khôi phục và truyền bá văn hóa dân tộc; bà con được hỗ trợ sản xuất các chương trình về dân tộc...

Anh Lò Văn Hán (dân tộc Cống), Trưởng bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) cho biết: Được thụ hưởng từ Đề án cùng với được đầu tư các dự án để phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi đã bớt khó khăn, có điều kiện để tổ chức bài bản tết cổ truyền Mền loóng phạt ái (Tết Hoa). Tết là nét văn hóa độc đáo, khẳng định quá trình hình thành và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Giúp lớp trẻ hiểu và trân trọng hơn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần gắn kết hơn đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Những nỗ lực trong công tác gìn giữ, bảo tồn, tạo điều kiện cho di sản văn hóa dân tộc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là lớp người trẻ đã có nhận thức, ý thức hơn về bản sắc văn hóa và sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, từ đó mọi người thêm hiểu, yêu quý di sản của mình và có ý thức bảo vệ tốt hơn.

Theo Báo Điện Biên Phủ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×