Bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền- Đọi Sơn: Để di sản "sống" trong cộng đồng
28/12/2023 | 16:54Chiều ngày 28/12, tại Nhà văn hóa trung tâm Thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL Hà Nam và UBND Thị xã Duy Tiên, tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền- Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia.
Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Lãnh đạo UBND thị xã Duy Tiên; Lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp…
Khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của lễ hội Tịch điền
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức cho biết: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Hà Nam. Lễ hội Tịch điền được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đây là lễ hội ghi dấu nơi mà cách đây 1037 năm (987-2023) vua Lê Đại Hành đích thân cày ruộng để khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo và là một trong những ngày hội chính của đất nước. Một lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò của nhà nông "Dĩ nông vi bản", "Phi nông bất ổn". Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 5 đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng, trong một không gian rộng lớn, mà trung tâm là chùa Đọi đến làng Đọi Tam và bến sông Châu Giang. Lễ Tịch điền - Đọi Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.
Theo ông Nguyễn Anh Chức, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã luôn quan tâm bảo tồn và phát huy tốt giá trị của Lễ hội Tịch điền; qua đó khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của di sản văn hóa đã được các thế hệ người dân Hà Nam giữ gìn và phát huy qua các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế hiện nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Tịch điền phù hợp với điều kiện phát triển đô thị Duy Tiên và tỉnh Hà Nam hiện nay cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn và bất cập trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam mong rằng, thông qua những tham luận, những kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo lần này sẽ làm sáng tỏ hơn và khẳng định các giá trị tiêu biểu của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ Tịch điền - Đọi Sơn; nêu bật những thành tựu cần phát huy, chỉ ra những tồn tại, bất cập cần khắc phục; qua đó kiến nghị các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di sản trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, đồng thời khai thác, kết nối tài nguyên du lịch Quốc gia không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn. Thông qua Hội thảo, sẽ giúp những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, lịch sử của Hà Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp để quy hoạch, bảo tồn, phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Tịch điền - Đọi Sơn, đồng thời sẽ tạo nền tảng quan trọng cho các chính sách, cơ chế mới giúp cho "du lịch văn hoá" ở Hà Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Để di sản sống trong cộng đồng
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Với mục tiêu để các di sản văn hóa "sống" trong cộng đồng, việc quảng bá hình ảnh của những giá trị di sản văn hóa, xúc tiến du lịch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội là điều hết sức cần thiết và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình thích hợp trong bối cảnh mới. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; triển khai có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, thu hút đầu tư xây dựng, hình thành các khu thương mại, dịch vụ cao cấp có quy mô lớn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Quốc gia Tịch điền - Đọi Sơn, UBND thị xã Duy Tiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch Quốc gia.
Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, nội dung của Hội thảo sẽ làm làm rõ những vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc bảo vệ, phát huy lễ hội Tịch điền như sau: Thứ nhất, khẳng định giá trị đặc sắc di sản văn hóa phi vật thể được ghi trong danh mục quốc gia: Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn.
Thứ hai, đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn.
Thứ ba, khai thác tài nguyên di sản văn hoá, kết nối không gian văn hóa vùng Đọi Sơn tạo động lực phát triển du lịch tỉnh Hà Nam.
"Với mục tiêu, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng những giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Quốc gia Tịch điền - Đọi Sơn và quảng bá tiềm năng du lịch bền vững của vùng văn hóa châu thổ sông Hồng, trong hội thảo này chúng tôi mong muốn các nhà khoa học sẽ cùng với UBND tỉnh, UBND thị xã Duy Tiên và cộng đồng người dân - chủ nhân của di sản đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Tịch điền phù hợp với điều kiện phát triển đô thị Duy Tiên và tỉnh Hà Nam hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp khai thác, kết nối tài nguyên du lịch Quốc gia không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn"- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định, Hội thảo là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tin tưởng, với tinh thần làm việc khoa học nghiêm túc, đầy trách nhiệm và cởi mở của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tại địa phương, Hội thảo sẽ có được những giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Tịch điền hiệu quả và phù hợp với những vấn đề của thực tiễn đang đặt ra.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nghiên cứu đã khẳng định và chứng minh bằng nhiều luận cứ tư liệu lịch sử làm rõ giá trị của lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn là một nghi lễ mang tư tưởng trọng nông: quý trọng đất đai, ruộng đồng, đề cao nghề trồng lúa và người nông dân...
GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, Lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn ngày nay là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Đây là lễ hội nên có phần lễ và phần hội. Phần hội có thể kéo dài hơn 1-2 ngày trước khi diễn ra phần lễ.
Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân, phần lễ trong lễ hội này rất quan trọng, vừa tái hiện nghi thức lễ Tịch điền cổ truyền, vừa phô diễn vẻ đẹp văn hóa trong Lễ hội. Tuy nhiên, trâu cày không nên vẽ quá nhiều màu sắc lên thân trâu mà chỉ nên vẽ lên tấm vải rồi treo lên lưng trâu, có tính tượng trưng, như vậy vừa gìn giữ môi trường vừa bảo vệ trâu cày.
GS.TS Đinh Khắc Thuân cho rằng cần có đàn tế Tiên Nông. Đồng thời, những nghi thức cụ thể cũng cần định lệ cho mỗi kỳ lễ hội, vừa trang trọng nhưng không nên thần thánh hóa.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Đính, Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, không nên vẽ trang trí lên trâu mà để mộc, chọn trâu to khỏe, da đẹp. Đồng thời, tỉnh cần nghiên cứu dựng lại khu thực hiện nghi lễ Tịch điền với đầy đủ các bộ phận như khu Tịch điền dưới triều Nguyễn, để trở thành nơi thực hiện nghi lễ thường xuyên, ổn định.
Theo quan điểm của các nhà khoa học, nguyên nhân khiến cho lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn có sức sống mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của nhân dân chính là do lễ hội này có sự kết quyện một cách hợp lý, hài hòa giữa các nghi lễ cung đình với truyền thống văn hóa và các phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân địa phương; Việc phục hồi nghi lễ Tịch điền khẳng định, biểu dương những giá trị cốt lõi của nền kinh tế nông nghiệp mà cha ông ta sớm lựa chọn từ buổi lập nước, nhắc nhở mọi người thuộc các ngành, giới, giai tầng xã hội khác nhau phải luôn trân trọng những giá trị này.
Đa số các nhà khoa học và nhà quản lý tham dự Hội thảo đều thống nhất rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển văn hóa và du lịch hiện nay là vô cùng cần thiết, vì điều này góp phần phát triển bền vững quê hương, đất nước./.