Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình
04/05/2022 | 15:00Những năm qua công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm và Nhân dân các dân tộc Hòa Bình tích cực tham gia. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được quan tâm, gìn giữ và phát triển, góp phần nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Toàn tỉnh hiện có 102 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh; có 768 di sản văn hóa phi vật thể đã được thống kê của 5 dân tộc thiểu số là: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Trong đó có di sản Mo Mường và Nghệ thuật Chiêng Mường đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Để quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã triển khai hiệu quả Luật Di sản văn hóa và Luật Du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tại các di tích, danh lam thắng cảnh; hỗ trợ địa phương và Nhân dân trong công tác khôi phục, gìn giữ giá trị văn hóa. Năm 2016, tỉnh triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường. Cơ quan chức năng đã biên soạn thành công sách học tiếng Mường, từ điển song ngữ đối chiếu Việt - Mường, Mường-Việt và đã bàn giao đến các Ban, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để ứng dụng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn. Công tác trùng tu, tu sửa được thực hiện nghiêm túc dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định. Đến nay, hệ thống di tích của tỉnh đã cơ bản được bảo vệ, tu bổ đảm bảo cho sự tồn tại và tính nguyên gốc của di tích. Đồng thời, Sở đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu, khôi phục và phát triển nhiều lễ hội văn hóa dân gian, như: Chùa Tiên (Lạc Thủy), Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đền Bờ (Cao Phong - Đà Bắc), Xên Mường, Gầu Tào (Mai Châu)… Thông qua việc sưu tầm, khảo cổ, đến nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu trữ, quản lý và trưng bày trên 18.000 hiện vật.
Công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ được chú trọng. Sở hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai Kế hoạch liên ngành “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với học tập và giáo dục lịch sử địa phương thông qua hệ thống di sản văn hóa tỉnh; lồng ghép các nội dung văn hóa truyền thống vào các buổi ngoại khóa, như: Sinh hoạt câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức tham quan di tích lịch sử. Ngoài ra, các trường thường xuyên tổ chức hội thi hát dân ca, trình tấu Chiêng Mường, hòa tấu nhạc cụ dân tộc thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh. Các hoạt động thiết thực đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ.
Việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống góp phần làm phong phú làm sản phẩm du lịch, định vị hình ảnh và quảng bá thương hiệu du lịch của tỉnh. Với lợi thế là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, các đơn vị lữ hành đã lựa chọn các địa điểm để xây dựng tour, tuyến du lịch. Tổng khách du lịch đến tỉnh trong quý I năm 2022 ước đạt 938.000 lượt khách, tăng 99,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 109,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ du lịch đã góp phần cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.