Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát xẩm để phục vụ du lịch: Góp phần định vị điểm đến Ninh Bình
10/08/2023 | 09:55Ninh Bình được xem là cái nôi của nghệ thuật dân gian hát Xẩm với sự đóng góp to lớn của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là người hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Trong định hướng phát triển của tỉnh nói chung và phát triển du lịch Ninh Bình nói riêng đều đặt vấn đề bảo tồn các giá trị nghệ thuật, trong có đó nghệ thuật hát Xẩm trở thành một hợp phần không thể thiếu. Việc bảo tồn giá trị nghệ thuật hát Xẩm đã sớm được tỉnh Ninh Bình thực hiện với mục tiêu tạo thành sản phẩm du lịch và góp phần định vị điểm đến của du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, các nghệ nhân Xẩm tài danh dần bước vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành, nhất là khi "người giữ hồn Xẩm" - nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời vào năm 2013. Tuy nhiên, sau bao thăng trầm và ít nhiều bị mai một, thất truyền, hát Xẩm đang được khôi phục, hồi sinh bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống của nhiều nghệ sỹ. Nội dung các bài hát Xẩm đã phong phú hơn, ngoài ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, nghĩa mẹ, tình cha thì những vấn đề xã hội đã được đưa vào Xẩm để phù hợp với cuộc sống đương đại. Tại Ninh Bình, Yên Mô được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra nghệ thuật hát Xẩm và là quê hương của cố nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu.
Hiện nay, Yên Mô có nhiều câu lạc bộ hát Xẩm đang hoạt động, trong đó tập trung ở xã Yên Phong, Yên Nhân, Yên Thành, Yên Hòa,… với sự tham gia của nhiều người ở các lứa tuổi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Những năm gần đây, huyện Yên Mô luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật nhằm phục vụ các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Theo đó, huyện đã chú trọng việc tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu về nghệ thuật hát Xẩm, bảo tồn, giữ gìn các giai điệu trong hát Xẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là trong bảo tồn và phát huy giá trị hát Xẩm; từng bước đưa hát Xẩm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Yên Mô nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Theo thống kê của UBND huyện Yên Mô, trên địa bàn huyện có gần 100 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm hát Chèo, hát Xẩm được thành lập và đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng, bình quân mỗi CLB có trên 30 thành viên tham gia. Các CLB, đội, nhóm đã xây dựng quy chế hoạt động, thường xuyên tập luyện, giao lưu trong các ngày lễ, ngày hội tại địa phương và tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Tiêu biểu như các xã: Yên Phong, Khánh Thịnh, Yên Từ, Yên Nhân, Yên Mạc, Yên Hòa, Yên Đồng, Khánh Thượng, thị trấn Yên Thịnh,… đã và đang thu hút rất nhiều diễn viên, nhạc công tham gia luyện tập và phục vụ công chúng. Không gian hoạt động của các CLB hát Chèo, hát Xẩm là tại nhà văn hóa xã, thôn, xóm.
Trong thời gian qua, UBND huyện Yên Mô đã ban hành các văn bản chỉ đạo, mở các lớp truyền dạy hát Xẩm cho các em học sinh, các thành viên CLB hát Chèo, hát Xẩm trên địa bàn vào dịp hè. Hằng năm huyện tổ chức Liên hoan các CLB hát chèo, hát Xẩm thu hút nhiều đoàn tuyển tham gia với hàng trăm tiết mục.
Từ năm 2014 đến nay, huyện Yên Mô mở 12 lớp truyền dạy hát Xẩm cho nhân dân và học sinh, giáo viên các nhà trường. Để xây dựng lớp nhạc công trẻ kế cận, huyện đã mở lớp dạy cách sử dụng một số nhạc cụ chính thường được dùng trong hát Xẩm (nhị, trống, sênh...) cho 40 người.
Để bảo tồn, phát huy Giá trị của nghệ thuật hát Xẩm trong phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới, theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Yên Mô: Huyện đã có kế hoạch đểưu tiên đưa loại hình hát Xẩm tham gia phục vụ khách du lịch, trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Hàng năm hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các CLB hát Xẩm, hát Chèo. Có kế hoạch mở các lớp truyền dạy tại cộng đồng. Xây dựng chuyên đề về hát Xẩm đưa vào giảng dạy ngoại khóa trong một số trường tiểu học, THCS, THPT.
Ngoài ra, để hát Xẩm lưu truyền rộng rãi trong đời sống xã hội rất cần có sự tham gia của toàn xã hội. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm. Đồng thời góp phần truyền dạy và giới thiệu loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Có chính sách phù hợp giúp khích lệ và tạo điều kiện cho nghệ nhân Xẩm Bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật hát Xẩm không chỉ có vai trò của chính quyền địa phương mà cần có sự tham gia tích cực của ngành Giáo dục.
Trong đó, Trường Đại học Hoa Lư cần đưa loại hình hát Xẩm vào đào tạo cho sinh viên chuyên ngành văn hóa, du lịch. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung những đầu sách về lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là tư liệu về hát Xẩm tại thư viện các trường tiểu học, THCS, THPT để học sinh có những kiến thức khái quát về loại hình nghệ thuật hát Xẩm.
Quan trọng hơn cả trong quá trình bảo tồn, hát Xẩm phải phục dựng được môi trường diễn xướng truyền thống phù hợp. Do đó, phải kết hợp hát Xẩm với các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, hát Xẩm có được môi trường diễn xướng ngoài trời, đông người qua lại, gần giống với môi trường biểu diễn truyền thống. Đồng thời thông qua các lễ hội truyền thống tuyên truyền, quảng bá loại hình nghệ thuật hát Xẩm đến với đông đảo công chúng, gắn hát Xẩm với phát triển du lịch để du khách trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận nhiều hơn bộ môn nghệ thuật dân gian này, từ đó góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh, đóng góp vào việc định vị điểm đến của du lịch Ninh Bình.