Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dưới nước: Cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

15/05/2024 | 08:53

Tại Hội thảo tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dưới nước, vấn đề đầu tiên vẫn là con người! Cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực khá đặc thù này.

Việt Nam, với vị trí chiến lược về địa lý chính trị, quân sự và văn hóa trên bán đảo Đông Dương và đường bờ biển dài hơn 3000km, đã tham gia vào tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Lịch sử phong phú như vậy đã dẫn đến sự tồn tại của nhiều địa điểm nơi tàu bị đắm và hiện vật mang ý nghĩa văn hóa và xã hội to lớn, chứa đựng ý nghĩa truyền thống hữu hình và phi vật thể, bài học và cơ hội. Những địa điểm và hiện vật này, nếu được bảo vệ đúng cách, có thể củng cố niềm tự hào dân tộc, giới thiệu hình ảnh hấp dẫn về Việt Nam với thế giới và thu hút cả đầu tư quốc tế và trong nước.

Chính vì thế, trước những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, bà Đinh Thanh Nga, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện khảo cổ học Việt Nam, cho rằng, để nâng cao chất lượng quản lý, bảo tồn di sản văn hóa này, vấn đề đầu tiên vẫn là con người! Cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực khá đặc thù này.

Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: Cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Không gian hội thảo

Theo bà Đinh Thanh Nga, công tác trước mắt cần tập trung đào tạo những nhà khảo cổ học dưới nước trẻ có sức khỏe và đam mê theo mô hình của những quốc gia có nền khảo cổ học dưới nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc... Trong thời gian tới, cần gửi đi đào tạo ít nhất 01-02 cán bộ bậc tiến sĩ, 02-03 cán bộ bậc thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo có uy tín về khảo cổ học dưới nước như Đại học Flinders (Úc), Đại học Texas A&M (Mỹ), Đại học Southampton (Anh)…

Thời gian gần đây, UNESCO, SPAFA, NAS… đã tổ chức những khóa tập huấn về khảo cổ học dưới nước, khảo cổ học hàng hải tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam…nhằm nâng cao năng lực về khảo cổ học dưới nước cho các quốc gia thành viên trong khu vực. Đây là một mô hình mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt cần được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới

Cũng theo bà Đinh Thị Thanh Nga, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta cũng cần xây dựng một cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đủ để có thể bước đầu tiến hành điều tra, khảo sát và tiến tới là khai quật, bảo tồn, xây dựng bản đồ trữ lượng di tích khảo cổ học dưới nước trên địa bàn tất cả các tỉnh, thành của cả nước. Việc xây dựng được bản đồ quy hoạch trữ lượng khảo cổ học dưới nước ở địa bàn các tỉnh thành trên cả nước chính là cơ sở để các nhà quản lý hoạch định những chính sách phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.

Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: Cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 2.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đức Lộc chia sẻ tại hội thảo

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: Hội đồng Di sản quốc gia, Cục Di sản văn hoá, Viện khảo cổ học cử chuyên gia, cán bộ đảm trách về khảo cổ học dưới nước tham vấn, hỗ trợ cho các Bảo tàng được tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, các cuộc tập huấn chuyên ngành về Khảo cổ học dưới nước trong toàn bộ hệ thống các Bảo tàng và Nhà trưng bày trên cả nước để các cán bộ chuyên môn đảm trách học tập, cập nhật các phương pháp mới về quy trình xử lý bảo quản sau khi di vật được trục vớt.

Cùng với đó, cần có cơ chế về kinh phí phù hợp, ngoài nguồn kinh phí cho khai quật, nghiên cứu đến từ ngân sách nhà nước, nên huy động sự đóng góp của xã hội dưới nhiều hình thức. Như vậy sẽ giảm được chi phí ngân sách, thu hút mọi tầng lớp cư dân địa phương và khu vực vào các hoạt động bảo vệ và quảng bá văn hóa mang tính đặc trưng của chuyên ngành khảo cổ học dưới nước. Đồng thời, giới thiệu các công ty có tư cách pháp nhân, có trách nhiệm trong công tác khai quật, trục vớt để tránh tình trạng phân chia tỷ lệ của các di vật sau khi lên bờ.

Nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa dưới nước cũng rất cần thiết, TS Lê Thị Liên - Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ: Dựa vào người dân và khai thác tiềm năng của họ là rất có ý nghĩa, vì vậy, chúng ta cần phải tôn vinh những người có ý thức bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa, ghi nhận những đóng góp về hiện vật và thông tin của họ bằng nhiều hình thức, trong đó bao gồm việc ghi tên người hiến tặng cho các hiện vật trưng bày, trên các ấn phẩm giới thiệu của Bảo tàng…

Đồng thời, đề cao và sử dụng năng lực của người dân trong các hoạt động bảo vệ, nghiên cứu và quảng bá, tiến tới đào tạo và tiếp nhận họ (đặc biệt là thế hệ trẻ) tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dưới nước tại địa phương. Tạo điều kiện để họ được chia sẻ lợi ích từ các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa dưới nước (hướng dẫn viên địa phương, sản xuất và bán sản phẩm văn hóa và đặc sản địa phương, làm việc trong các dịch vụ văn hóa...).

Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: Cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 3.

TS Lê Thị Liên - Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

"Đặc biệt, cần có các quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật Di sản văn hóa cho các sưu tập, bảo tàng tư nhân trong việc sưu tầm, xác định nguồn gốc phát hiện và lưu trữ di vật, các điều kiện bảo tồn di vật đặc biệt. Đề ra các quy định hợp lý đối với việc phát hiện di tích, di vật, trong đó có việc khen thưởng và bù đắp bằng tiền và hoặc hiện vật phù hợp với từng trường hợp cụ thể và xử phạt với các trường hợp cố tình làm trái các quy định của Luật Di sản văn hóa" – TS Lê Thị Liên nhấn mạnh.

Còn theo Phó Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Quảng Văn Quý, trong điều kiện hiện nay, việc tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu, quản lý, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dưới ở nước ta đặt ra ngày càng bức thiết. Do đó, việc tham gia Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước năm 2001 và việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ mở ra điều kiện để các địa phương đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy tài nguyên di sản văn hóa dưới nước ở địa phương mình góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.

Thương Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×