Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình

20/05/2021 | 10:01

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân được nâng lên; quan điểm định hướng xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình - Ảnh 1.

Phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch địa phương.

Tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc chính là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, hiện đang nắm giữ tổng số 786 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó: Tiếng nói, chữ viết là 10, ngữ văn dân gian là 154, nghệ thuật trình diễn dân gian là 171, tập quán xã hội là 113, nghề thủ công truyền thống là 26, tri thức dân gian là 268. Di sản văn hóa vật thể tại bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ 18.003 hiện vật. Về di tích trên địa bàn tỉnh đã có 101 di tích được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh) và hơn 100 di tích chưa xếp hạng. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung và ngành công nghiệp du lịch, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc Hòa Bình vẫn còn những hạn chế. Số di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê khoa học còn thấp, mới chỉ có 5/786 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê khoa học; có 2 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống; công tác quản lý di vật, cổ vật chưa phát huy được giá trị; nhiều di tích đã xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải trùng tu, tôn tạo. Công tác quản lý nhà nước và việc triển khai Luật Di sản văn hóa trong bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; công tác tu bổ tôn tạo di tích chưa được quan tâm; đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn nên việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để trùng tu các di tích còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận người dân về việc bảo vệ di sản văn hóa và khai thác giá trị phục vụ hoạt động du lịch còn bất cập.

Để việc khai thác các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Hòa Bình tạo ra những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, độc đáo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành lạnh là cần thiết. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025: 50% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, trong đó lập hồ sơ 10 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa; 80% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn, phát huy; Đầu tư xây dựng 05 mô hình bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; 50% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được giới thiệu, quảng bá phục vụ phát triển du lịch. Đối với di sản văn hóa vật thể, thực hiện đầu tư cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh; lựa chọn một số điểm di tích tiêu biểu để quảng bá giới thiệu thu hút đầu tư phát triển thành các điểm tham quan du lịch. 70% hiện vật, cổ vật, bảo vật tại Bảo tàng tỉnh được quản lý trên phần mềm, tiến hành số hóa để quảng bá giới thiệu trên môi trường mạng. 50% di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được quảng bá thu hút đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch….

Trong đó tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình; nghiên cứu, sưu tầm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Hòa Bình. Tổ chức phục dựng bảo tồn một số lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản hoa hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình để thu hút du khách trong nước và quốc tế./.

Theo hoabinh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×