Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn, phát triển Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương Quảng Bình

19/07/2024 | 15:14

Trong suốt những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển Thể thao thành tích cao, các môn Thể thao truyền thống, Thể thao dân tộc luôn được tỉnh Quảng Bình quan tâm, chú trọng.

Rộn ràng thể thao dân tộc

Đầu xuân năm mới, chính là thời điểm mà các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức ở khắp các địa phương trong tỉnh. Các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới đều tổ chức các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc như: Kéo co, Cướp cù, Đánh đu, Vật dân tộc, Cờ thẻ, Cờ tướng, Đua thuyền truyền thống...

Trong đó, Kéo co chính là môn thể thao dân tộc tập thể thú vị luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tại Quảng Thuận, cứ vào dịp mùng 5 tết, chính quyền địa phương lại tổ chức giải Kéo co. Mỗi đội gồm 7 người, ngoài trang phục riêng theo từng đội, người chơi của từng đội phải thắt lưng dải vải xanh hoặc dải vải đỏ để phân biệt. Và để cổ vũ cho các đội kéo co, đông đảo người dân từ khắp nơi đã đến xem, reo hò vô cùng sôi động.

Còn với người dân thị xã Ba Đồn, hội Cướp Cù, Đấu Vật truyền thống chính là phong trào mạnh. Để duy trì truyền thống thượng võ, năm nào địa phương cũng tổ chức hội Cướp Cù và Vật dân tộc. Do đó, thanh niên ở đây không ai là không biết Vật để sẵn sàng tham gia thi đấu khi tổ chức giải. Để chuẩn bị cho hội Vật truyền thống của thị xã Ba Đồn, trước đó, các địa phương đã tổ chức tuyển chọn những đô vật giỏi ngay từ cơ sở để tham gia tranh tài. Vì vậy, hội Vật luôn luôn hấp dẫn với các màn ganh đua quyết liệt, ngang sức ngang tài.

Bảo tồn, phát triển Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương Quảng Bình - Ảnh 1.

Các VĐV tranh tài nội dung đi Cà kheo.

Trong khi đó, tại các đình làng Phan Long (phường Ba Đồn), đình Lũ Phong (phường Quảng Phong), đình Hòa Ninh (xã Quảng Hòa), đình làng La Hà (xã Quảng Văn), làng Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch)… những trò chơi dân gian lại được tổ chức, trong đó môn Cờ thẻ đã lôi cuốn đông đảo người cao tuổi và thanh niên tham gia...

Đặc biệt, trong 2 sự kiện thể thao lớn của tỉnh là: Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT các cấp, các môn thể thao dân tộc luôn chiếm 1 phần trong số các môn và nội dung thi đấu của Đại hội.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, phong trào TDTT trong đồng bào dân tộc thiếu số ở Quảng Bình rất được quan tâm, phát triển.

Tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số là dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt, với 5.607 hộ, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Dân tộc Bru - Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Các dân tộc thiểu số còn lại như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa Cô... với số dân không nhiều. Và để kết nối được các dân tộc trong tỉnh, thể thao truyền thống chính là “cầu nối” ý nghĩa nhất.

Theo đó, Ngày hội Thể thao dân tộc thiểu số từ lâu đã được coi là hoạt động Thể thao thường niên trong tỉnh. Một số đơn vị luôn dẫn đầu về số lượng, chất lượng là: Bố Trạch, Phong Nha, Minh Hóa... Mỗi dịp tổ chức Ngày hội, sẽ có tầm 200 – 300 VĐV là bà con dân tộc Thiểu số tham gia tranh tài.

Theo thông tin từ Sở VHTT tỉnh Quảng Bình, Ngày hội Thể thao dân tộc thiểu số được tổ chức với sự hỗ trợ từ dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Lãnh đạo tỉnh nói chung, lãnh đạo ngành TDTT trong tỉnh nói riêng luôn ý thức được vai trò và vị trí của nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các môn thể thao trong cộng đồng dân tộc thiểu số nên thường xuyên bổ sung nguồn kinh phí cho các huyện, thị xã để duy trì việc tổ chức các giải thể thao. Thậm chí là cả chi phí để bà con tập luyện các môn thể thao, đi lại tham gia thi đấu trong các ngày hội...

Ở Minh Hóa, nhiều năm qua, tại Tuần lễ VHTTDL và Hội rằm tháng 3, huyện lại tổ chức thi đấu các môn Thể thao truyền thống và trò chơi dân gian. Huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy các môn như: Đẩy gậy, Cà kheo, Bắn nỏ, Đánh đu... Đại diện Phòng văn hóa thông tin của huyện cho biết: Trong năm 2023, với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án 06, các hoạt động Thể thao truyền thống được triển khai hiệu quả trong Tuần lễ VHTTDL. Không chỉ ở cấp huyện, thậm chí ở cấp xã như: Tân Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa...phong trào TDTT trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất được quan tâm và phát triển sâu rộng.

Tại Quảng Bình, không chỉ có hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong trào TDTT đều được chú trọng và trở thành "cầu nối" để tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Bảo tồn, phát triển Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương Quảng Bình - Ảnh 2.

Kéo co luôn là môn thể thao tập thể thu hút nhất.


Tổ chức thường niên lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng bảo tồn và thi đấu thực nghiệm

Trong năm 2024, tiếp tục từ sự đồng hành của dự án 06, Sở VHTT đã triển khai tổ chức Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phương pháp bảo tồn và thi đấu thực nghiệm các môn Thể thao dân tộc Brun- Vân Kiều tại các huyện như: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Minh Hóa và dân tộc Chứt tại huyện Minh Hóa.

Chương trình tập huấn nhằm: Quán triệt một số văn bản liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, thể thao đặc thù, các trò chơi dân gian. Hướng dẫn kỹ năng bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc như: Kéo co, Đẩy gậy, Cà Kheo, Bắn nỏ… Hướng dẫn kỹ năng phát triển các trò chơi dân gian như: Đấu vật, Nhảy bao bố, Ném lon, Chơi “U”, Cướp cờ,… Tổ chức thi đấu thực nghiệm một số môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian. Thảo luận, trao đổi về kinh nghiệm công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số tại đơn vị, địa phương.

Thông qua lớp tập huấn, giúp các học viên nắm chắc các kỹ năng cơ bản của môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian để về đơn vị, địa phương hướng dẫn tổ chức được các trò chơi dân gian trong các hoạt động lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, làm tăng tính sôi nổi, hấp dẫn trong các hoạt động lễ hội góp phần bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian trên địa bàn tỉnh, phát huy tinh thần đoàn kết, phát triển các mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng dân tộc...

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình chia sẻ: những hoạt động văn hoá, thể thao của tỉnh Quảng Bình đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể vẫn cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Sự chia sẻ, chung tay của cộng đồng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thể thao trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày hội Thể thao các dân tộc thiểu số là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc nhằm thực hiện hiệu quả đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Hơn tất cả, giá trị cốt lõi trong việc tổ chức các giải thể thao dân tộc là giúp tăng cường đoàn kết các dân tộc, là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ. Các môn thể thao dân tộc không chỉ mang lại không khí vui tươi, hào hứng cho bà con nhân dân mà còn góp phần tăng cường rèn luyện sức khỏe, phát triển sâu rộng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trên địa bàn tỉnh./.

Theo Cục Thể dục thể thao

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×